CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa có thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tăng vốn điều lệ. Cụ thể, HĐQT Masan đã phê duyệt tăng vốn điều lệ Công ty thêm 57 tỷ đồng, theo đó vốn điều lệ của Tập đoàn sau khi tăng là 11.747 tỷ đồng.
Số vốn này tăng thông qua việc Masan phát hành hơn 5,7 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành là 10.000 đồng/cp, tương đương tối đa 0,5% vốn. Phương án này đã được HĐQT Masan thông qua trong tháng 7/2020.
Danh sách cá nhân được tham gia chương trình gồm 31 người bao gồm Tổng giám đốc Danny Lê và 3 Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thiều Nam, Michael Hung Nguyen, Đoàn Thị Mỹ Duyên...
Đây là những nhân viên công ty, các công ty con, công ty thành viên có thành tích nổi bật, đóng góp đặc biệt vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và cam kết gắn bó lâu dài với công ty.
|
Vốn điều lệ của Masan tăng thêm 57 tỷ đồng. |
Trong 6 tháng đầu năm, tuy doanh thu có tăng gấp đôi lên 35.403 tỷ đồng nhưng Masan lại báo lỗ luỹ kế đến 162 tỷ đồng, trong đó lãi ròng đạt 117 tỷ, giảm 94% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dòng tiền thuần trong kỳ của Masan lại ghi âm hơn 2.100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dòng tiền dương 217 tỷ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Masan đặt kế hoạch cho doanh thu dao động từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng, gần gấp đôi mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng, giảm ít nhất 46%.
Masan kỳ vọng bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai. Bán lẻ hiện đại dự kiến chiếm đến 50% thị phần trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới do tầng lớp trung lưu gia tăng, đô thị hóa nhanh chóng và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau COVID-19.