Dự phóng Vinamilk sẽ lãi 9.445 tỷ trong năm 2023
Mirae Asset dự phóng doanh thu thuần của Vinamilk trong năm 2023 đạt 61.263 tỷ đồng (+2,2%) và LNST công ty mẹ ở mức 9.445 tỷ đồng (+10,9%).
Công ty chứng khoán này cũng dự phóng tăng trưởng doanh thu thuần nội địa của Vinamilk ở mức 1% với giả định là Vinamilk không tăng giá bán do áp lực lạm phát vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng doanh thu nội địa vẫn sẽ tăng trưởng dương trở lại trong 2023 nhờ cơ cấu hệ thống phân phối và nâng cấp bao bì nhiều sản phẩm.
Đối với thị trường nước ngoài, Mirae Asset thận trọng dự phóng tăng trưởng ở mức 8,4% do mảng xuất khẩu vẫn gặp nhiều thách thức dù đồng USD đã hạ nhiệt gần đây.
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Vinamilk sẽ ở mức 41,3% trong 2023 do công ty khẳng định nguyên liệu đầu vào sử dụng trong 6T2023 vẫn có chi phí cao hơn 6T2022. Theo đó, biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện đáng kể từ quý 3/2023. Nhìn chung, Mirae Asset kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ nới rộng thêm 1,4 điểm phần trăm so với mức 39,9% trong năm 2022.
Sau 2 năm cắt giảm mạnh chi phí marketing và bán hàng, Mirae Asset kỳ vọng Vinamilk sẽ tăng chi phí này trở lại trong 2023 nhằm mục đích giữ thị phần. Bên cạnh đó, Mirae Asset kỳ vọng kế hoạch chuyển đổi số (mục tiêu 20-30% nguồn nhân lực) sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn. Theo đó, Mirae Asset dự phóng chi phí SG&A trong 2023 tăng nhẹ 2,4% so cùng kỳ.
Tình hình các dự án của Vinamilk như thế nào?
Dự án trang trại Lao-Jagro của Vinamilk đã đi vào hoạt động năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ nhập khẩu đàn bò bị chậm so với dự kiến do Lào nới lỏng giãn cách trễ hơn Việt Nam. Hiện trang trại chỉ mới có hơn 1.000 con bò nhập từ Mỹ và chưa cho sữa (kế hoạch Giai đoạn 1: tổng 24.000 con bò). Công ty đang lên kế hoạch nhập thêm 4.000 con trong năm nay.
Mirae Asset kỳ vọng khoảng 13% lượng bò sữa thuộc Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu cho sữa trong 2023. Theo đó, khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào cải thiện thêm 50 điểm cơ bản lên 29,3% trong 2023.
Dự án bò thịt Sojitz dự kiến khởi công vào tháng 3/2023 và sẽ đi vào hoạt động trong 2025 (trễ hơn kế hoạch ban đầu là cuối 2023).
Ban lãnh đạo Vinamilk đặt mục tiêu nâng số lượng cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” từ 650 lên 1.000 cửa hàng trong 2 năm tới.
Tích cực giảm nợ vay ngắn hạn
Nhìn lại năm 2022, doanh thu thuần VNM đạt 59.956 tỷ đồng (-1.6%). Chi phí tài chính tăng mạnh (+205.2%) đã khiến LNST hợp nhất của VNM giảm 19.3%. Công ty chỉ hoàn thành 94% mục tiêu doanh thu và 88% mục tiêu lợi nhuận.
Tuy kết quả kinh doanh chưa được tích cực nhưng tình hình tài chính của VNM vẫn giữ được sự ổn định. Cơ cấu tài chính của công ty đã chuyển dịch nhiều hơn về hướng phòng thủ khi tích cực giảm các khoản vay nợ ngắn hạn xuống 48.1% so với đầu năm, khiến tổng nợ vay phải trả chỉ còn chiếm lần lượt 10.2% tổng tài sản và 15% vốn chủ sở hữu tại cuối Q4/2022.
Nhờ dòng tiền dồi dào từ HĐKD đạt 8,827 tỷ đồng (- 6.4% CK) và đầu tư đạt 3,473 tỷ đồng (chủ yếu đến từ tiền thu hồi các khoản tiền gửi có kỳ hạn), công ty đã có điều kiện tăng cổ tức cho cổ đông lên mức 90% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.