Vinalines sắp đại hội cổ đông lần đầu, khép lại "hải trình" cổ phần hóa gian nan

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang đứng trước cơ hội tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào tháng 8/2020, qua đó kết thúc lộ trình cổ phần hóa (CPH) kéo dài đúng 2 năm.
Gian nan
“Chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, bao gồm cả công tác nhân sự để có thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, chính thức chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau hơn 1 tháng nữa”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết.
Khác với nhiều lần thông báo rồi lại thay đổi trong suốt hơn một năm qua, ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu của “ông lớn” hàng hải Việt Nam đã có cơ hội cụ thể hóa.
Vào cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 277/QĐ - UBQLV điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines.
Theo đó, vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vinalines được điều chỉnh giảm chỉ còn 12.005,88 tỷ đồng so với mức 14.046 tỷ đồng được quy định tại Quyết định số 751/QĐ - TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Vinalines.
Do vốn điều lệ của Công ty mẹ giảm, dẫn tới quy mô cổ phần phát hành lần đầu giảm tương ứng, chỉ còn 1.200.588.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cổ phần Nhà nước nắm giữ 1.194.213.300 cổ phần, chiếm 99,469% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 392.500 cổ phần, chiếm 0,038% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 500.000 cổ phần, chiếm 0,452% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 5.420.900 cổ phần, chiếm 0,452% vốn điều lệ.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Ban chỉ đạo CPH Công ty mẹ thực hiện các thủ tục liên quan tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển thành công doanh nghiệp thành công ty cổ phần và hoàn tất các thủ tục còn lại trong công tác CPH theo quy định của pháp luật.
Vinalines sap dai hoi co dong lan dau, khep lai
 Vinalines sẽ tổ chức Đại hội cổ đông trong tháng 8/2020.
“Ban chỉ đạo CPH Công ty mẹ - Vinalines căn cứ tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ theo phương án CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Dự thảo Điều lệ để thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu về quyền bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần sau khi công ty cổ phần chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu.
Theo Quyết định số 751, hình thức CPH Công ty mẹ - Vinalines là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Quy mô vốn điều lệ của Tổng công ty là 14.046 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 912.993.770 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 0,27% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,8% vốn điều lệ và cổ phần bán đấu giá công khai là 280.921.160 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.
Sau khi phương án CPH được phê duyệt, Vinalines thực hiện công bố thông tin các nội dung liên quan đến việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và tổ chức để nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Công ty mẹ.
Tính đến hết ngày 12/7/2018 (thời gian hết hạn đăng ký nhà đầu tư chiến lược), Tổng công ty nhận được 1 bộ hồ sơ của Công ty TNHH SK Securities (Hàn Quốc) đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, hồ sơ của Công ty TNHH SK Securities đã không đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo phương án CPH đã được phê duyệt. Do vậy, Công ty TNHH SK Securities không đủ điều kiện được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Do thất bại trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nên vào đầu tháng 8/2018, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khi đó vẫn sắm vai đại diện chủ sở hữu đã phải điều chỉnh số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng. Theo đó, chuyển số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án CPH (207.896.970 cổ phần) thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.
Tuy nhiên, vận “xui” vẫn chưa chịu buông tha ông lớn hàng hải khi Vinalines chỉ bán được một lượng rất nhỏ số lượng cổ phần bán đấu giá công khai và cổ phần bán cho người lao động theo phương án được duyệt. Cụ thể, cổ phần bán cho người lao động chỉ đạt 0,033/0,16%; bán đấu giá công khai chỉ đạt 0,452/34,8% vốn điều lệ.
Không thất thoát vốn nhà nước
Có hai lý do khiến Vinalines buộc phải chờ đại diện chủ sở hữu trong giai đoạn hiện tại phải điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ của Công ty mẹ sau khi tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.
Trong tờ trình gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Ban chỉ đạo CPH Vinalines cho biết, theo quy định tại Điều 37, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, đối với doanh nghiệp có số lượng cổ phần chưa bán được sẽ được điều chỉnh lại vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ và thực hiện thoái vốn sau khi doanh nghiệp đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 1, Thông tư số 34/2019/TT-BTC ngày 11/6/2019 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần quy định “trường hợp doanh nghiệp thực hiện CPH theo hình thức bán một phần vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu, hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu thì việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ thực hiện theo hướng ưu tiên xác định số cổ phần bán được là số cổ phần phát hành thêm theo phương án cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và số cổ phần bán ưu đãi cho đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm c, Khoản 1, Điều 42, Nghị định số 126 được xác định là số cổ phần bán phần vốn nhà nước”.
Đồng thời, tại điểm e, Khoản 2, Điều 45, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP cũng quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu “quyết định điều chỉnh vốn nhà nước tại công ty cổ phần theo quy định”. Đây là lý do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải đứng ra đảm nhận việc phê duyệt điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông Công ty mẹ - Vinalines.
Theo lãnh đạo Vinalines, đối chiếu với các quy định nêu trên và kết quả bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines, giá trị vốn nhà nước tham gia vào công ty cổ phần là 11.942,133 tỷ đồng; giá trị cổ phần bán bớt phần vốn nhà nước tính theo mệnh giá là 3,925 tỷ đồng; giá trị cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá là 59,822 tỷ đồng. Tổng cộng vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vinalines sau điều chỉnh là 12.005,88 tỷ đồng.
“Việc điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vinalines như trên là đúng quy định, sát với thực tế và hoàn toàn không làm mất vốn nhà nước”, đại diện Vinalines cho biết.
Mặc dù đang hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động, nhưng Vinalines sắp bắt đầu một hải trình mới được dự báo rất khó khăn với vị thế là một công ty cổ phần. Công ty mẹ - Vinalines dự kiến có lần đầu tiên thực hiện trả cổ tức vào năm 2020 chỉ ở mức 1,4%.
Trước đó, tháng 5/2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 137/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Vinalines trên cơ sở đề nghị của chính nhóm người đại diện phần vốn đang nắm hơn 99% vốn điều lệ tại tổng công ty này. Theo yêu cầu của Ủy ban, công ty mẹ - Vinalines phải hoàn thành 3 chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2019 là đạt sản lượng vận tải biển 4.670.000 tấn, doanh thu 1.549 tỷ đồng, lợi nhuận 0 đồng.
Một lãnh đạo Vụ Công nghệ và hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, đã cân nhắc rất kỹ khi chỉ yêu cầu Vinalines đạt mức lợi nhuận 0 đồng năm 2019, trong khi năm 2018 lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 261 tỷ đồng. Lý do là, năm 2018, Bộ GTVT giao Công ty mẹ - Vinalines đạt mức lợi nhuận âm 800 tỷ đồng do phải thực hiện một loạt chương trình tái cơ cấu đội tàu, trong đó chấp nhập bán dưới giá thành nhiều tàu già để cắt lỗ. Song do phần lớn chương trình đã không thể hoàn thành, nên khoản lỗ kế hoạch này sẽ dồn sang năm 2019 và một số năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đây là các chỉ tiêu được xây dựng từ cuối năm 2019 khi Covid-19 chưa xuất hiện. Hiện lĩnh vực vận tải biển của Vinalines đang phải chịu cú sốc lớn do nhu cầu vận tải biển trên toàn thế giới rơi thẳng đứng, trong khi khối cảng biển cũng bắt đầu thấm đòn dịch bệnh.
Theo Anh Minh/Báo Đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN