Vietnam Airlines chính thức được 'giải cứu'

(Vietnam Daily) - Vietnam Airlines đề xuất được hỗ trợ 12.000 tỷ đồng gồm 4.000 tỷ đồng thông qua cho vay và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng. 
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Vietnam Airlines tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Vietnam Airlines chinh thuc duoc 'giai cuu'
 
Trước đó, Vietnam Airlines đề xuất phương án xin hỗ trợ cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng, trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi. Và kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, cổ đông nhà nước có thể giao 1 đơn vị mua phần cổ phần này (như SCIC). Quy mô phát hành cổ phiếu được cân đối với phương án vay, đảm bảo tổng số vốn bổ sung cho Vietnam Airlines khoảng 12.000 tỷ đồng.
Về trung dài hạn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025.
Về tình hình kinh doanh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines báo cáo doanh thu thuần 9 tháng giảm 56,8% xuống 32.411 tỷ đồng không đủ bù đắp giá vốn dẫn đến lỗ gộp 7.707 tỷ đồng. Dù chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, quản lý được tiết giảm nhiều nhưng Vietnam Airlines lỗ ròng 10.675 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 8.874 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines còn ước cả năm 2020 có thể lỗ 13.000 tỷ đồng và sang năm 2021 vẫn lỗ nếu thị trường quốc tế không phục hồi.
Tại thời điểm 30/9, tiền và tiền gửi của Vietnam Airlines còn khoảng 3.327 tỷ đồng, giảm so với mức 6.540 tỷ đồng đầu kỳ. Tổng vay nợ tài chính tới 35.056 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ so với đầu năm. Trong đó, Vietnam Airlines đã vay ngắn hạn thêm gần 6.100 tỷ đồng để bù đắp dòng tiền.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN