Vì sao tập đoàn của ông Đỗ Thành Nhân muốn đưa người vào điều hành HQC?

Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đang đứng trước những thay đổi trong HĐQT khi xuất hiện nhóm cổ đông lớn liên quan đến Louis Holdings muốn người của họ tham gia vào HQC.
Xôn xao trong cộng đồng đầu tư gần đây là thông tin Louis Holdings - nhóm doanh nghiệp mới nổi trong làng M&A với các thương vụ thâu tóm Angimex, Ladophar, Louis Land, Louis Capital, Sametel... đứng đằng sau các cá nhân trong nhóm cổ đông đã gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần HQC và muốn tham gia nắm quyền điều hành của Địa ốc Hoàng Quân.
Vào ngày 12/3 nhóm cổ đông đã tập hợp đủ tỷ lệ sở hữu gửi công văn đến HĐQT Hoàng Quân đề nghị bầu bổ sung thành viên HĐQT của HQC nhiệm kỳ 2020-2024, đề cử bà Nguyễn Giang Quyên bầu vào thành viên HĐQT HQC để giúp HQC tìm kiếm và bổ sung các nhân tố mới có đủ đức tài, khả năng quản trị lãnh đạo tốt để cùng hỗ trợ HQC phát triển trong giai đoạn 2022 -2024.
Công văn của nhóm cổ đông này nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm dày dặn trong quá trình làm việc tại Coteccons và Louis Land, kết hợp với những lợi thế về quỹ đất của Louis Land nói riêng và hệ sinh thái Louis Holdings nói chung sẽ giúp HQC phát triển hơn trong giai đoạn sắp tới...”.
Bà Quyên sinh năm 1980, mới được bổ nhiệm vào chức vụ cao nhất trong ban điều hành Louis Land cách đây một tháng. Louis Land là công ty nằm trong hệ sinh thái Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân.
Công ty này không trực tiếp sở hữu cổ phần Hoàng Quân, nhưng hai công ty khác trong nhóm cổ đông sở hữu 10% lại có liên quan trực tiếp đến ông Nhân.
Vi sao tap doan cua ong Do Thanh Nhan muon dua nguoi vao dieu hanh HQC?
Ông Đỗ Thành Nhân.
Trước khi có sự xuất hiện của nhóm Louis, cơ cấu cổ đông Địa ốc Hoàng Quân khá phân tán, cổ đông lớn duy nhất là ông Lê Văn Lợi. Nhà đầu tư này vừa mua thêm 2,6 triệu cổ phiếu HQC để tăng sở hữu lên 30,8 triệu đơn vị, tương ứng 6,4% vốn.
Ông Lợi gom cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn Địa ốc Hoàng Quân từ tháng 7/2021, giai đoạn cổ phiếu HQC đi ngang ở vùng giá 3.000-4.000 đồng/cp.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch và là người sáng lập Hoàng Quân cùng nhóm liên quan từng sở hữu gần 20% vốn vào cuối năm 2020 nhưng đã bán ra lượng lớn cổ phiếu.
Báo cáo quản trị cho thấy Chủ tịch cùng những người liên quan còn sở hữu 8,08% vốn tại thời điểm đầu năm. Trong đó, bản thân ông Tuấn sở hữu 3,43% vốn, bà Nguyễn Thị Diệu Phương - vợ ông Tuấn và cũng là Phó Chủ tịch HĐQT nắm 3,82% vốn.
Song, gia đình ông Tuấn không rút hoàn toàn vốn khỏi doanh nghiệp và chuyển hình thức đầu tư sang cho vay. Tính đến 31/12/2021, vợ chồng Chủ tịch HĐQT cho công ty vay 1.201 tỷ đồng.
Sắp tới đây, HQC dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ hơn 87,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ, giá 10.000 đồng/cp với ông Trương Anh Tuấn. Sau phương án, công ty còn nợ vợ chồng Chủ tịch khoảng 329 tỷ đồng.
Như vậy, nếu phương án này tiếp tục được giữ nguyên và thực hiện thì ông Tuấn cùng gia đình sẽ tăng sở hữu trở lại hơn 22% vốn Địa ốc Hoàng Quân.
Trở lại với Louis Holdings, trong năm 2021, nhóm này đã thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp: CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII; đổi tên thành Louis Land), CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (TGG; đổi tên thành Louis Capital), Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), CTCP Sametel (SMT), Dap-Vinachem (DDV) và chứng khoán APG.
Mỗi doanh nghiệp trong hệ sinh thái đều hoạt động trong một lĩnh vực riêng biệt và Louis Land (BII) cũng hoạt động trong ngành nghề tương tự .
Bên cạnh đó, ông Đỗ Thành Nhân – người chủ chốt trong hệ sinh thái Louis Holdings vừa chia sẻ bên thềm ĐHĐCĐ thường niên Angimex (AGM): "Sau những biến động cổ phiếu trong năm 2021, tôi rút kinh nghiệm sẽ chỉ tập trung kinh doanh. Trong đó, Louis Holdings sẽ không M&A thêm bất kỳ công ty nào và chỉ phát triển trên danh mục hiện tại là SMT, AGM, LDP, TGG và BII”.
Không hiểu nguyên nhân gì mà hệ sinh thái của ông Nhân lại muốn "kết nạp" thêm Hoàng Quân theo kiểu "ép buộc".
Địa ốc Hoàng Quân có gì để nhóm Louis "dòm ngó"?
Địa ốc Hoàng Quân là doanh nghiệp bất động sản với dòng sản phẩm chủ yếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và có định hướng đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc bất động sản hương mại khác, bất động sản nông nghiệp công nghệ cao.
Lợi nhuận giai đoạn 2017-2020 giảm dần từ 65 tỷ đồng về 10 tỷ đồng. Năm 2021, kết quả kinh doanh tiếp tục đi xuống với doanh thu 346,7 tỷ đồng, giảm 39%, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ về 4 tỷ đồng, giảm 58%.
Tại thời điểm cuối năm 2021, công ty có 9.237 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm 33% so với đầu năm. Tài sản doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào khoản đầu tư liên doanh, liên kết 4.378 tỷ đồng, chiếm 46,7%.
Khoản mục chiếm tỷ trong lớn tiếp theo là khoản phải thu khách hàng 1.417 tỷ đồng và phải thu dài hạn khác 1.335 tỷ đồng.
Công ty đã hoàn thành việc mua và sở hữu 40% vốn điều lệ Công ty Simon, gia tăng vốn đầu tư tại CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận lên 44% vốn điều lệ; tăng sở hữu vốn tại CTCP Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ đến 39%.
Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ là 2.320 tỷ đồng và Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận là 1.649 tỷ đồng.
Với năm 2022, doanh nghiệp đề ra mục tiêu doanh thu 1.085 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm trước. Doanh thu bất động sản là 495 tỷ đồng từ dự án HQC Biên Hòa, HQC Plaza, HQC Hóc Môn…; doanh thu hợp tác đầu tư bất động sản 400 tỷ đồng và doanh thu đầu tư tài chính 190 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đột biến lên 165 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 4,2 tỷ năm 2021. Với việc giới thiệu đa dạng dự án và kế hoạch kinh doanh tham vọng nhưng trong nhiều năm qua, tỷ lệ thực hiện được rất thấp. Riêng năm 2021 chỉ đạt được 8,4% lợi nhuận.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN