VDSC nâng dự phóng lãi ròng của NKG năm 2021 gần 2.900 tỷ đồng

Do khả năng sinh lời ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ có thể cải thiện trong quý 4 nhờ diễn biến giá thép và năng lượng thuận lợi, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nâng dự báo tích cực cho NKG của Thép Nam Kim.
VDSC nâng dự phóng LNST của NKG năm 2021 từ 2.264 tỷ đồng lên khoảng 2.890 tỷ đồng. Lý do chính là do khả năng sinh lời ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ có thể cải thiện trong Q4 nhờ diễn biến giá thép và năng lượng thuận lợi.
Vì vậy, VDSC nâng dự phóng biên lợi nhuận gộp xuất khẩu sang Châu Âu-Bắc Mỹ trong Q4 tăng từ 10,5% lên 19,5%.
Với chi phí sản xuất cạnh tranh nhờ giá HRC đầu vào rẻ, chi phí lao động và năng lượng thấp, kỳ vọng tôn mạ xuất khẩu của Việt Nam có thể duy trì biên lợi nhuận gộp cao tại các thị trường này trong năm tới.
Do đó, VDSC điều chỉnh dự phóng biên lợi nhuận gộp xuất khẩu năm 2022 từ 10,5% lên 16,5% và nâng dự phóng LNST năm 2022 từ 1.500 tỷ đồng lên 2.900 tỷ đồng.
Cuối cùng, với mức lợi nhuận cao và dòng tiền dồi dào, VDSC kỳ vọng NKG có thể nâng mức chi trả cổ tức tiền mặt lên 1.000 đồng/cổ phiếu vào năm tới (tăng 500 đồng/cổ phiếu so với kỳ vọng trước đây).
NKG tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu và duy trì sản lượng bán hàng ở mức cao
Sản lượng bán hàng khoảng 275.000 tấn sản phẩm trong Q3, tăng 32% YoY. Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh 39% QoQ và 128% YoY, đạt 224.000 tấn trong Q3, đóng góp 81,5% vào tổng sản lượng tiêu thụ.
Nhu cầu ở thị trường nội địa yếu do tác động tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong tháng 7 và tháng 8. Châu Âu và Bắc Mỹ trở thành thị trường trọng điểm của NKG, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng bán hàng.
VDSC nang du phong lai rong cua NKG nam 2021 gan 2.900 ty dong
 
Thị trường trong nước có những dấu hiệu tích cực trong tháng 9 khi giãn cách xã hội đã được nới lỏng ở nhiều tỉnh phía Nam. Sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa phục hồi từ khoảng 10.000 tấn trong tháng 8 lên khoảng 20.000 tấn trong tháng 9. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu ổn định ở mức khoảng 82.000 tấn trong tháng 9, xấp xỉ mức 80.600 tấn trong tháng 8.
NKG vẫn sẽ tập trung vào thị trường nước ngoài trong Q4 do xuất khẩu mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn so với thị trường trong nước và cho phép công ty giảm thiểu rủi ro nợ khó đòi và giảm thời gian phải thu. NKG sẽ duy trì tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng bán hàng ở mức 75%-80% trong Q4.
Nhu cầu tôn mạ và ống thép trong nước có thể phục hồi trong Q4 khi hoạt động xây dựng được phép tiếp tục trong tháng 10 tại miền Nam. Kỳ vọng sự phục hồi của doanh thu nội địa, vốn đã bắt đầu từ tháng 9, tiếp tục duy trì và sản lượng tiêu thụ nội địa có thể đạt 82.000 tấn trong Q4, tăng 60% so với mức thấp điểm trong Q3. Tổng sản lượng tiêu thụ trong Q4 dự kiến đạt 330.000 tấn, tăng 19,0% QoQ.
NKG sẽ mở rộng công suất sản xuất vào năm 2022
NKG sẽ di dời nhà kho và dây chuyền sản xuất ống thép sang nhà máy mới, xây dựng trên khu đất 5 ha mua từ công ty Dea Myung Paper, và mở rộng công suất sản xuất ống thép từ 180.000 tấn/năm lên 300.000 tấn/năm.
Sau khi sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, công ty dự kiến công suất sản xuất tôn mạ có thể tăng 30% từ 1,0 triệu tấn lên 1,3 triệu tấn trong Q2/2022. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
NKG cho rằng việc mở rộng công suất để nắm bắt cơ hội từ thị trường nước ngoài là hợp lý vì khoản đầu tư tương đối nhỏ so với mức lợi nhuận tiềm năng.
Các nhà xuất khẩu thép của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong những năm tới tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ nhờ các chính sách môi trường ít nghiêm ngặt hơn, cùng với giá nhân công và giá điện thấp hơn.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN