Năm 2023, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, UPCoM: MVN) đặt kế hoạch kinh doanh dựa vào các yếu tố trọng yếu như mức tăng trưởng GDP là 6,5%; Giả định chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) từ 1.300-1.500 điểm; Tỷ giá tham chiếu USD/VND là 24.800, mức chênh lệch tỷ giá dự kiến 4%; Dự kiến giá nhiên liệu VLSFO (750 USD/tấn), MGO (1.000 USD/tấn).
Theo đó, Vinalines dự kiến sản lượng vận tải biển đạt17,7 triệu tấn (giảm 18% so 2022), giảm chủ yếu ở các đơn vị VIMC Shipping, Bisco, Vinaship, nguyên nhân do thị trường vận tải biển năm 2023 sẽ rất khó khăn, nhu cầu vận chuyển giảm, lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều, ngoài ra một số đơn vị có kế hoạch bán tàu cũng là nguyên nhân làm giảm sản lượng tại các đơn vị.
Sản lượng khối cảng biển dự kiến 134,7 triệu tấn (tăng 9%), do tăng chủ yếu ở các cảng Hải Phòng (tăng 3,2 triệu tấn), cảng Quy Nhơn (tăng 1,4 triệu tấn) và khối cảng liên doanh (tăng 3,7 triệu tấn).
Về kế hoạch kinh doanh, Vinalines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm tới 24% về còn 2.330 tỷ đồng.
|
Kế hoạch năm 2023 của Vinalines |
Theo Vinalines, doanh thu dự kiến giảm mạnh ở khối vận tải biển (giảm 1.671 tỷ đồng, hầu hết các đơn vị khối vận tải biển đều có doanh thu giảm so với năm 2022, đặc biệt giảm mạnh ở các đơn vị Vosco (giảm 966,5 tỷ đồng), Vinaship (giảm 417 tỷ đồng), Bisco (giảm 287 tỷ đồng)...
Lợi nhuận khối cảng biển và dịch vụ hàng hải dự kiến có sự tăng trưởng so với năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận khối vận tải biển và công ty mẹ đều giảm mạnh. Cụ thể khối vận tải biển giảm 855 tỷ đồng (giảm chủ yếu ở các đơn vị: Vosco giảm 408 tỷ đồng; Vinaship giảm 216 tỷ đồng; Bisco giảm 232 tỷ đồng.
Theo Vinalines, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Công ty mẹ giảm so với năm 2022 chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường vận tải biển dự kiến gặp nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận kế hoạch năm 2023 giảm mạnh.
Trong năm 2023, Công ty mẹ dự kiến kế hoạch góp thêm vốn tại một số doanh nghiệp để bố trí ngân sách, chủ động về tài chính.
Trong đó, Vinalines tạm ước khoản thanh toán “Giá trị lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” theo Hợp đồng chuyển giao cổ phần Cảng Quy Nhơn với Công ty Hợp Thành khoảng 65 tỷ đồng. Góp vốn thành lập CTCP Vận tải Container VIMC, tổng giá trị góp vốn ước tính khoảng 1.235 tỷ đồng bằng tài sản là giá trị phần vốn tại VIMC Đình Vũ, 2 tàu container, lô vỏ container trị giá 1.041 tỷ đồng và bằng tiền mặt là 20% giá trị đầu tư 02 tàu container mới trị giá 40 triệu USD (tương đương 969,6 tỷ đồng).
Ngoài ra, Vinalines còn góp vốn bổ sung vào Cảng Sài Gòn khi Cảng Sài Gòn tăng vốn để hoán đổi cổ phần với các cổ đông còn lại của Sài Gòn - Hiệp Phước, giá trị góp vốn khoảng 69,4 tỷ đồng. Góp vốn vào liên doanh đầu tư Dự án Cái Mép Hạ với giá trị góp vốn khoảng 113 tỷ đồng.