Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) vừa phát hành báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2024, điều chỉnh tăng lên mức 6,4%.
Báo cáo cho biết, GDP thực tế của Việt Nam trong quý III/2024 đã đạt 7,4% so với cùng kỳ năm trước (vượt dự báo trung bình của thị trường là 6,1%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022.
Trong đó, cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục là động lực chính trong các hoạt động kinh doanh, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ mạnh mẽ. Sự gia tăng doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy đà tăng trưởng có khả năng sẽ được duy trì trong 1-2 quý tới.
UOB cho rằng, dữ liệu quý III/2024 đã phản ánh khả năng phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu tăng 16,5%, với thặng dư thương mại là 20,8 tỷ USD, (chỉ thấp hơn một chút so với mức 22,1 tỷ USD đạt được trong cùng kỳ năm 2023).
Doanh số bán lẻ chậm lại một chút xuống còn 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9 từ mức 7,9% vào tháng 8, trung bình là 8,7% cho đến nay trong năm 2024 (thấp hơn nhiều so với tốc độ 10,4% của năm 2023), cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn.
Với kết quả bất ngờ trong quý III/2024 bất chấp tác động của cơn bão Yagi, tăng trưởng GDP tới thời điểm hiện tại của năm 2024 đã đạt 6,8%. UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm 2024 của Việt Nam lên 6,4% (so với mức dự báo trước đó là 5,9%).
Dự báo tăng trưởng năm 2025 vẫn được duy trì ở mức 6,6%, phản ánh mức tăng sản lượng dự kiến vào đầu năm sau để bù đắp cho những tổn thất do cơn bão Yagi gây ra, cũng như tác động lan tỏa từ chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại
Với lạm phát CPI có dấu hiệu giảm bớt, sức mạnh của đồng USD dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa sau chính sách nới lỏng của Fed; và với những tác động tiêu cực lan rộng sau cơn bão Yagi, khả năng NHNN chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được cân nhắc nhiều hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, UOB cho rằng, điều này sẽ được cân đối với các yếu tố như hiệu suất kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2024 và khả năng lạm phát bùng phát trong quý IV/2024 sau cơn bão Yagi (do thực phẩm (chiếm 33,6%) và nhà ở (18,8%) chiếm ưu thế trong rổ CPI).
NHNN có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận có trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. UOB cho rằng, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5% trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.