Tỷ phú Trần Đình Long nói gì về yêu cầu điều tra chống bán phá giá HRC?

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận lượng thép nhập khẩu từ nước ngoài vào lớn quá. Nếu không có các biện pháp thì sẽ gây ra những mối nguy rất lớn đè bẹp sản xuất trong nước.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 13,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 10,4 tỷ USD, giá trung bình đạt 782 USD/tấn, tăng 14,1% về lượng, nhưng giảm 12,6% kim ngạch và giảm 23,3% về giá so với năm 2022.

Trong đó, các loại sắp thép nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, đạt 8,2 triệu tấn, tương đương trên 5,65 tỷ USD, tăng 62,8% về lượng, tăng 13,9% kim ngạch; chiếm 62,1% trong tổng lượng và chiếm 54,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Điều này dẫn đến trong tháng 3/2024 vừa qua, 2 doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp đơn lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, do lo ngại HRC giá rẻ đang ồ ạt vào thị trường nội địa sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, tỷ phú Trần Đình Long nhìn nhận:"Lượng thép nhập khẩu từ nước ngoài vào lớn quá. Nếu không có các biện pháp thì sẽ gây ra những mối nguy rất lớn đè bẹp sản xuất trong nước […] Không có một nước nào chấp nhận việc trong nước đã đầu tư rất lớn để sản xuất thép, mà lại để cho nước ngoài nhập khẩu ồ ạt với số lượng thậm chí còn lớn hơn. Trong kỳ điều tra năm 2023, tổng sản xuất thép của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn, thì tổng lượng nhập khẩu là 9,6 triệu tấn".

Ty phu Tran Dinh Long noi gi ve yeu cau dieu tra chong ban pha gia HRC?

Thép HRC Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát.

Ông cũng nhấn mạnh ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, khi lượng thép nhập khẩu chỉ bằng 10% thôi, quốc gia này lập tức không những áp ngay thuế chống bán phá giá, mà còn phải áp dụng luôn điều luật 232 về an ninh quốc gia để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Ngoài Mỹ, còn hai nền kinh tế tương đối giống Việt Nam là Thái Lan khi nhập khẩu chiếm 60% là ngay lập tức áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ ngành sản xuất HRC. Indonesia cũng có động thái tương tự khi nhập khẩu 37% so với sản xuất trong nước.

Trước đó, vào ngày 26/3, phía Hòa Phát cho biết sẽ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu Trung Quốc, với 3 lý do gồm: Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh; giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống  còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023 có dấu hiệu bán phá giá; cuối cùng một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này dẫn đến một nhóm 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép đã có những phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể, nhóm này cho rằng lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu. Họ lập luận theo quy luật cung cầu thị trường, quốc gia nào sản xuất được HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất khẩu được nhiều HRC hơn các quốc gia khác. Trong năm 2023, sản phẩm HRC do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.

Ngoài ra, nhóm này cho rằng 2 khái niệm "giá bán giảm" và "bán phá giá" là hoàn toàn khác nhau, và không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Việc giá bán HRC thế giới tăng hay giảm là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Nhóm này cũng nhận định lập luận phía Hòa Phát về "một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng", nhóm 9 doanh nghiệp cho rằng điều này không có căn cứ. 

Họ cho rằng để biết các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Trung Quốc có đang bán lỗ, bán dưới giá thành sản phẩm HRC vào Việt Nam hay không, cần có số liệu chi tiết về giá thành sản xuất HRC của các doanh nghiệp Trung Quốc. Không thể có một doanh nghiệp Việt Nam nào có thể tiếp cận với hồ sơ kế toán của các doanh nghiệp Trung Quốc để biết chi phí sản xuất HRC của các doanh nghiệp Trung Quốc là bao nhiêu bởi đây là các thông tin bảo mật của từng doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp tôn mạ cũng đồng loạt lên tiếng yêu cầu không điều tra với lập luận rằng biên độ phá giá chỉ 1,26% trong khi Luật Quản lý ngoại thương quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Trong diễn biến mới nhất, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam (chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam gửi công văn để khẳng định Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dẫn số liệu từ Hải Quan, nhóm các doanh nghiệp này lập luận có 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 1/1/2019 đến ngày 29/2/2024, gồm Công ty TNHH Tôn Hòa Phát, chi nhánh Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát Bình Dương, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát Đà Nẵng, Công ty TNHH Thép cán nguội Hòa Phát, với tổng số lượng là 576.305 tấn.

Đây là các mác thép HRC này hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát, cũng như Hòa Phát đang bán các mác sản phẩm này tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

Theo Huy Ngọc/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN