Tỷ phú Trần Đình Long bán công ty nội thất thu về khoản lợi nhuận kếch xù

Doanh thu trong quý 1 của HPG ước đạt 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận bán công ty nội thất 500 tỷ đồng. 
Sáng 22/4, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm trước và được cổ đông thông qua.
Quý 1 lãi 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận các quý sau sẽ "tốt hoặc rất tốt"
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị trường thép xây dựng với thị phần tăng từ 32,5% của năm 2020 lên 33,8%. Ở mảng ống thép, thị phần của Hòa Phát giảm từ 31,7% trong năm ngoái xuống còn 30,2% trong quý I năm nay nhưng vẫn cao nhất cả nước.
Ty phu Tran Dinh Long ban cong ty noi that thu ve khoan loi nhuan kech xu
 ĐHĐCĐ HPG sáng 22/4.
Mảng tôn mạ ghi nhận tăng trưởng đột biến với sản lượng tiêu thụ 73.700 tấn, cao gấp ba lần cùng kỳ và chiếm 5,9% thị phần toàn ngành.
Ngoài ra, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đã tiêu thụ hơn 665.000 tấn HRC, chiếm 36% thị phần. Quý 1 năm ngoái, Hòa Phát chưa có sản phẩm này.
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ doanh thu trong quý 1 ước đạt 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận bán công ty nội thất 500 tỷ đồng, ông Long cho biết lợi nhuận các quý sau sẽ "tốt hoặc rất tốt" vì tháng 1 và tháng 2 tiêu thụ chậm.
Hòa Phát lên kế hoạch triển khai dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm. Trong đó, sản phẩm thép dẹt là 4,6 triệu tấn/năm; thép thanh, thép dây chất lượng cao 1 triệu tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 283,73 ha.
Doanh nghiệp kỳ vọng dự án được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian 36 tháng từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.
Nâng cổ tức lên 40% cho năm 2020
Chia sẻ về việc gia đình ông Long muốn mua cổ phiếu HPG không phải chào mua công khai, ông Long cho biết ông cam kết không bán cổ phiếu. Gia đình ông mong muốn tăng sở hữu lên, ông mong cổ đông sẽ ủng hộ việc ông mua cổ phiếu.
“Năm ngoái tôi muốn mua thêm cổ phiếu nhưng các bạn nói rằng phải nộp hồ sơ mất cơ hội, cổ đông đa phần rất sợ ông chủ bán đi nên tôi mong cổ đông ủng hộ việc tôi mua vào cổ phiếu”, ông Long nói.
Ty phu Tran Dinh Long ban cong ty noi that thu ve khoan loi nhuan kech xu-Hinh-2
 Chủ tịch Trần Đình Long tại ĐH - Ảnh: CafeF.
Về vấn đề phân phối lợi nhuận, ban lãnh đạo Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 35% cho 2020. Song, tại Đại hội, trước nhiều ý kiến cổ đông về mong muốn tăng mức chia cổ tức, Ban lãnh đạo HPG thay đổi đề xuất chia cổ tức cho năm 2020 từ mức 35% lên mức 40% (5% là tiền mặt và 35% là cổ phiếu). Cùng với đó, mức chi trả dự kiến cổ tức cho năm 2021 cũng được điều chỉnh từ mức 30% lên mức 40%.
Tại đại hội đã cổ đông bày tỏ quan điểm không đồng ý với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, và tất nhiên càng phản đối ý kiến nâng lên 35%.
Theo quy định mới về thuế áp dụng từ tháng 12/2020, khi bán số cổ phiếu được nhận dưới dạng cổ tức, nhà đầu tư sẽ bị đánh thuế thu nhập 5% giá trị giao dịch. Trước đây, nhà đầu tư chỉ phải nộp thuế bán cổ phiếu tỷ lệ 0,1% giá trị giao dịch.
Vì vậy, cổ đông này đề nghị Hòa Phát cứ giữ lại lợi nhuận trên bảng cân đối kế toán nhưng không chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tuy vậy, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết ông là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát, nếu bán thì sẽ phải nộp thuế nhiều nhất nhưng ông vẫn vui vẻ ủng hộ kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu. "Mình làm ăn ở Việt Nam có lãi thì nộp thuế cho Việt Nam cũng là bình thường", ông Long nói.
Tại Đại hội lần này, cổ đông HPG cũng tiến hành bầu 7 Thành viên HĐQT và 4 Thành viên Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN