Báo cáo tài chính năm 2019 của CTCP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ cùng kỳ với 98 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhờ cắt giảm mạnh chi phí bán hàng từ 16 tỷ xuống còn 115 triệu và chi phí quản lý doanh nghiệp từ 11 tỷ xuống 6,8 tỷ đồng nên công ty vẫn có lãi thuần hơn 16 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ thuần 6 tỷ.
Ngược lại, nếu như hoạt động khác năm 2018 mang về 15,5 tỷ đồng lợi nhuận thì năm nay lại ghi âm 182 triệu đồng.
Dù vậy, Kim Liên vẫn đạt 12,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng khá 45% so năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Kim Liên đạt được trong vòng 5 năm gần đây.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Kim Liên tăng từ 73 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu nằm ở khoản mục phải thu ngắn hạn, còn Kim Liên không vay nợ tài chính. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Kim Liên cũng chỉ vỏn vẹn gần 4 tỷ đồng.
Du lịch Kim Liên có vốn điều lệ gần 70 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Thaigroup đóng góp hơn 36 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu 6,7 tỷ đồng, Công ty Tài chính Bưu điện 4,6 tỷ đồng, CTCP Tư vấn Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình 4,6 tỷ đồng và đặc biệt là có sự xuất hiện của CTCP Thaiholdings là gần 12 tỷ đồng (thay cho CTCP Bình Minh Group và ông Nguyễn Cao Cường).
|
Dự án khu đất vàng Kim Liên |
Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua của Du lịch Kim Liên vừa tổ chức đã thông qua phương án tăng vốn từ 69,6 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng, tức gấp gần 40 lần.
Kế hoạch tăng vốn nhằm giúp cho công ty này đủ điều kiện tỉ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư khi thực hiện dự án Kim Liên.
Du lịch Kim Liên trích dẫn kết quả nghiên cứu, tư vấn của Công ty TNHH Savills Việt Nam cho rằng, tổng chi phí cho việc thực hiện dự án Kim Liên vào khoảng 616 triệu USD, tương đương gần 14.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện và cổ đông Ngân hàng GPBank đều cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm quy mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ... chưa được trình đến ĐHĐCĐ và không rõ ràng, cụ thể. Phương án tăng vốn dựa trên khảo sát của đơn vị tư vấn Savills là không có căn cứ để cổ đông xem xét, biểu quyết.
Phản hồi vấn đề này, ông Vũ Ngọc Định - Tổng giám đốc cho biết, dự án Khu phức hợp Kim Liên hiện đã được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội ra văn bản kết luận chỉ tiêu qui hoạch xây dựng. Theo đó, dự án dự kiến xây dựng 8 block, gồm có các trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse…
Ông Định cho rằng lợi thế của dự án là tọa lạc trên khu đất rộng và vị trí đắc địa của TP Hà Nội. Phía công ty đã mời đơn vị nước ngoài khảo sát và tư vấn. Công ty cũng đã ký kết một số hợp đồng với đối tác như Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để triển khai thực hiện dự án. HĐQT công ty đã họp nhiều lần trước khi trình vấn đề lên ĐHĐCĐ, nội dung cụ thể sẽ được trình đến các cổ đông vào ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Những giải trình của Tổng giám đốc về dự án Kim Liên chưa đủ để có thể thuyết phục 17,5% cổ đông tán thành, nhóm này phủ quyết toàn bộ nội dung liên quan đến tăng vốn, sửa đổi điều lệ và ủy quyền HĐQT mời gọi nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn nhà thầu dự án. Tuy vậy, nghị quyết vẫn được thông qua với tỷ lệ tán thành hơn 82%.
Được biết, năm 2015, CTCP Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) rót hơn 1.000 tỷ đồng mua lại hơn 52% khách sạn Kim Liên từ đợt thoái vốn của SCIC. Bầu Thụy sau đó cũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Du lịch Kim Liên, đơn vị điều hành khách sạn này.