Danameco thuộc số ít doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi giữa đại dịch Covid-19. Cụ thể, Công ty đem về trên 700 tỷ đồng doanh thu và 37 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2020, gần gấp đôi và 4,3 lần kết quả 2019.
Dù vậy, DNM dự kiến không chia cổ tức 2020 để ưu tiên đầu tư. Hơn 37 tỷ đồng lợi nhuận sẽ chia vào quỹ phát triển sản xuất (80%) và quỹ khen thưởng phúc lợi (20%). Nếu hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2021, tỷ lệ chia cổ tức cho năm 2021 dự kiến là 5%.
Đến hiện tại, DNM vẫn chưa công bố các chỉ tiêu cụ thể cho năm 2021. Sau quý đầu năm, DNM ghi nhận doanh thu thuần 71 tỷ đồng và lãi ròng 4,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 45% và 44% so với quý 1/2020.
|
DNM muốn dùng tiền thêm để đầu tư tiếp vào nhà máy. |
Theo tài liệu họp, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án đầu tư năm 2021 với số tiền 50 tỷ đồng, dùng cho hệ thống kho 2 tầng nhà máy Quảng Nam.
Trong năm 2020, DNM đã rót tổng cộng trên 141 tỷ đồng cho phân xưởng sản xuất khẩu trang, mua máy móc thiết bị… Việc mạnh dạn đầu tư vào thời điểm dịch bùng phát góp phần đáng kể cho kết quả kinh doanh đột biến của DNM.
Về chiến lược lâu dài, DNM kỳ vọng mở rộng thị trường cho sản phẩm vật tư tiêu hao, đặc biệt là khẩu trang y tế dùng 1 lần, trang phục bảo hộ, trang phục phẫu thuật.
Công ty muốn là đại lý phân phối độc quyền sản phẩm của các hãng chuyên về sản phẩm y tế nổi tiếng như Rvent (Thổ Nhĩ Kỳ), Allmed (Đức), Vadi (Đài Loan)… Cùng với đó là đẩy mạnh xuất khẩu sang ra thị trường nước ngoài.
Trên thị trường chứng khoán, chuỗi tăng giá của cổ phiếu DNM được kích hoạt ngay sau Tết Nguyên đán 2020 và đến nay, mức tăng đạt trên 388% dù thị giá đã giảm mạnh so với đỉnh.
Trong suốt 6 tháng nay, cổ phiếu DNM gần như đi ngang, cụ thể, DNM chủ yếu dao động từ 37.000-52.000 đồng/cp từ cuối năm 2020 đến nay. Hiện tại sáng 25/5, giao dịch ở mức 41.700 đồng/cp.