Theo quyết định của Văn phòng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Dũng, cựu Chủ tịch UBCKNN, được phân công công tác tại Phòng Báo chí - Tuyên truyền thuộc Bộ Tài chính, từ ngày 5/8. Ông Trần Văn Dũng hiện là Chuyên viên cao cấp.
Trước đó vào ngày 19/5, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 817/QĐ-BTC thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBCKNN đối với ông Trần Văn Dũng, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Trong thời gian ông Dũng bị kỷ luật, cách chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi là người trực tiếp phụ trách, điều hành Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
|
Cựu Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng. |
Liên quan đến các sai phạm các lãnh đạo cấp cao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, giữa tháng 5/2022, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Ông Trần Văn Dũng sinh 1965, tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại Nhật Bản, từ năm 1992- 1997, ông này công tác tại Ngân hàng Nhà nước, từ 1997 đến 2003, sang Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Sau đó ông này từng giữ nhiều chức vụ cao tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội như Phó Chủ tịch, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc HNX giai đoạn 2009-2016.
Sau đó ông này vào TPHCM làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) và đến tháng 72017, ông được Bộ Tài chính bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến tháng 5/2022 thì bị cách tất cả các chức vụ tại đây.
Giai đoạn ông Trần Văn Dũng giữ các chức vụ lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực chứng khoán, ngành có nhiều thăng trầm, trong đó nổi bật là tình trạng tắc nghẽn kéo dài tại HoSE mà không xử lý được dứt điểm. Các lãnh đạo hứa xong vẫn tắc, tắc xong lại hứa.
Thị trường chứng khoán dưới thời ông Dũng cũng chứng kiến những vụ việc thao túng giá chứng khoán như trường hợp cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, Trí Việt, vụ FTM,... hay hành vi lừa đảo như trong vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Bên cạnh đó, không phải phủ nhận giá trị lớn trong thời kỳ ông Dũng đương nhiệm là chỉ số VN-Index đã tăng cao hơn 60%. Thậm chí, nếu so với mức đỉnh trước đợt điều chỉnh đầu năm nay, mức tăng của thị trường trong 5 năm này lên tới hơn 100%.
Không chỉ VN-Index, chỉ số HNX-Index giai đoạn này cũng ghi nhận mức tăng trên 200%. Còn nếu so với giá đỉnh hồi đầu năm nay, mức tăng từ tháng 7/2017 đến nay của chỉ số này lên tới gần 5 lần.
Cũng trong thời gian này, số lượng nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước đã tăng lên hơn 5,2 triệu, cao hơn 3,25 lần so với 5 năm trước. Số lượng này cũng tương đương hơn 5% dân số Việt Nam, đạt sớm 3 năm so với mục tiêu Chính phủ đặt ra.