Trà bí đao Wonderfarm đặt kế hoạch lợi nhuận 2020 đi lùi

Trà bí đao Wonderfarm đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại suy giảm.
CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood, UPCoM: IFS), chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Theo đó, năm 2020, IFS đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.949 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại giảm 3% xuống mức 217 tỷ đồng.
Theo IFS, trong năm 2020, Công ty tiếp tục đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng bằng cách tập trung vào các sản phẩm thương hiệu Kirin như năm trước.
Về kết quả kinh doanh năm 2019, IFS thực hiện được 1.797 tỷ đồng tổng doanh thu và 224 tỷ đồng lãi ròng, vượt 51% kế hoạch đề ra.
Đại hội cổ đông của IFS sắp tới sẽ tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2021-2025 với các ứng viên gồm: ông Yutaka Ogami (hiện là Chủ tịch), bà Nguyễn Thị Kim Liên, ông Takeshi Fukushima, ông Koichi Ogawa, ông Toru Yoshimura.
IFS hiện có tổng tài sản 940 tỷ đồng. Vốn điều lệ 871 tỷ đồng, trong đó Kirin Holdings Singapore nắm chủ yếu với 95,66% vốn.
Tra bi dao Wonderfarm dat ke hoach loi nhuan 2020 di lui
 

IFS sở hữu thương hiệu Việt lâu đời Wonderfarm và thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản Kirin. Trong đó, Wonderfarm có các dòng sản phẩm như Trà Bí Đao, Nước Yến Ngân Nhĩ, Nước cốt dừa... còn Kirin có Latte, Ice+, Tea Break, trà xanh...

Interfood được thành lập năm 1991 với hoạt động chính ban đầu là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp sấy khô, ướp đông, ướp muối và ngâm dấm để xuất khẩu với vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD.  
Đến năm 1994, Interfood mở rộng kinh doanh bằng cách thâm nhập vào thị trường bánh, và đến năm 2003 tiến vào thị trường nước trái cây có ga và nước trái cây có độ cồn nhẹ (5%).  
Năm 2005, Interfood được sản xuất thêm các loại nước tinh khiết và chai PET.  
Sang năm 2006 công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng bắt đầu từ đây, hoạt động kinh doanh Interfood bắt đầu đi xuống do khủng hoảng kinh tế.  
Trong suốt giai đoạn từ 2008 đến 2015, chỉ có năm 2010 Interfood đạt lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng, còn các năm khác đều lỗ.  
Kinh doanh khó khăn, năm 2011 Interfood được tập đoàn Kirin tham gia tái cấu trúc, với tỷ lệ sở hữu 57% vốn. Kirin sau đó đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại Interfood và đến nay sở hữu gần 96%.  
Dưới sự hỗ trợ của Kirin, Interfood vẫn chịu lỗ tiếp 4 năm, phải hủy niêm yết cổ phiếu vào năm 2013 và đến cuối năm 2015 lỗ lũy kế 852 tỷ đồng.  Từ năm 2016, Interfood đã chấm dứt kinh doanh sản phẩm bánh để tập trung nguồn lực phát triển ngành kinh doanh chủ lực là nước giải khát.

Như vậy, sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng từ 2008-2015, với 7/8 năm thua lỗ, Interfood dưới bàn tay tái cấu trúc của tập đoàn Kirin bắt đầu có lãi từ năm 2016 và kể từ đó đến nay, công ty càng ngày càng lãi lớn.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN