Trong báo cáo về diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu và các giải pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, Sở Công Thương TP đã xây dựng 3 tình huống để cung ứng hàng hóa cho người dân với số ca nhiễm mới dưới 100, dưới 300 và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Trong trường hợp có dưới 100 ca bệnh mới, Sở Công Thương TP.HCM nhận định người dân sẽ thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.
Tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch xuất hiện gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu ngày cuối tuần. Lúc này, Sở phối hợp Cục Quản lý thị trường, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối.
Đồng thời sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50-100% trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Các doanh nghiệp sẽ tăng cường bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử.
TP.HCM len 3 kich ban cung ung thuc pham neu dich benh lay lan hinh anh 1 PHG_981180_zing.jpg
Các cơ sở kinh doanh ăn uống với công suất từ 30 khách trở lên tại TP.HCM đóng cửa từ 18h ngày 24/3.
Với tình huống có dưới 300 trường hợp nhiễm bệnh, dự báo người dân TP.HCM có thể hoang mang, tăng cường thu gom tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phòng chống dịch, nhu cầu tăng đột biến dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, sốt hàng cục bộ.
Trong trường hợp này, Sở huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP.HCM quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp tại TP dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50-100% so với ngày thường, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Hệ thống phân phối sẽ có phương án lưu chuyển hàng hóa phù hợp, đưa hàng hóa kịp thời, không gián đoạn đến tất cả điểm bán hàng, xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực bị cách ly, giới hạn số lượng hàng bán ra với mỗi khách hàng cá nhân, không để thu gom, tích trữ tại các điểm bán hàng.
Kịch bản xấu nhất tại TP.HCM trong báo cáo của Sở Công Thương là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Khi đó, người dân tiếp tục hoang mang, nhu cầu tăng mạnh, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, sốt hàng tại nhiều nơi. Người dân sẽ hạn chế đến nơi đông người, thói quen mua sắm thay đổi sang hình thức thương mại điện tử.
Để đối phó với tình huống trên, Sở căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh trình UBND TP.HCM quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Các doanh nghiệp tiếp tục giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2, phát huy kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời giảm hoặc ngừng xuất khẩu với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại TP và các tỉnh, thành.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết trong giai đoạn ứng phó phòng chống dịch, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35-50% nhu cầu thị trường, tăng so với mức 25-30% ngày thường.
Đến ngày 24/3, TP.HCM ghi nhận 34 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 3 ca đã bình phục.