Những tín hiệu tích cực từ “đại bàng” Mỹ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2023, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.270 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11,73 tỷ USD, đưa nền kinh tế số 1 thế giới đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam.
Trả lời người viết năm 2016, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó là Ted Osius cho biết Mỹ đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, và nếu tính các khoản vốn đầu tư thông qua nước thứ ba, Mỹ có thể đã đạt được vị trí đó. Từ đó đến nay, dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam có cải thiện nhưng không tăng đột biến dù Việt Nam vẫn được cho là nước hưởng lợi lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các nước lân cận.
Năm 2022, Mỹ rót 748 triệu USD vào nước ta, giá trị chỉ sau 868,8 triệu USD năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm nay, Mỹ đăng ký đầu tư 405 triệu USD, leo lên chiếm vị trí thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Kể từ khi Việt Nam mở cửa, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã nhanh chân khai phá thị trường đông dân này. Những “ông lớn” như Cargill, Coca-Cola, Intel, Ford, Apple hay Nike đã xây dựng được hệ sinh thái lớn và trở thành thương hiệu phổ biến. Cùng với sự nổi lên của các lĩnh vực mới, giới doanh nghiệp Mỹ không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.
Trên thực địa, nhiều công ty xứ cờ hoa đã công bố nhiều khoản đầu tư mới hoặc mở rộng danh mục của mình. Tháng 8/2021, giữa đại dịch COVID-19, Boeing thông báo lập văn phòng đại diện mới tại Hà Nội, cũng là văn phòng đại diện đầu tiên của Boeing tại Việt Nam. Đầu năm nay, hãng sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) thông báo đầu tư thêm 100 triệu USD ở Bình Dương. Dù chưa đầu tư trực tiếp, nhưng Apple hiện đã có 11 nhà máy của các nhà cung ứng thiết bị đã đến Việt Nam.
Với nỗ lực thu xếp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, một đoàn gồm 50 doanh nghiệp, lớn nhất từ trước tới nay, gồm nhiều “đại bàng” như Abbott, AES, Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, Netflix, SpaceX… hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng… đã đến Việt Nam đầu năm nay.
Trong các cuộc gặp gỡ phía Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ đều bày tỏ mong muốn được thiết lập hoặc mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Trong buổi tiếp đoàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: “Mỹ phải là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”, một mục tiêu mà 30 năm nay chưa đạt được như họ đã tuyên bố.
|
Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM. |
Lợi ích song trùng
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện cách đây 10 năm, quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu ở tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo chính quyền Mỹ nhiều lần tuyên bố nước Mỹ ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập, tự cường.
Để đưa điều đó thành hiện thực, hợp tác kinh tế, nhất là trong những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam khuyến khích đầu tư, là lẽ tự nhiên. Đó là năng lượng xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn… để đưa Việt Nam tạo đột phá về phát triển kinh tế.
Sự cởi mở về quan hệ ngoại giao, chính trị đã tạo nền tảng vững chắc và chất xúc tác cho hợp tác kinh tế. Thực vậy, từ đầu năm nay, nhiều thành viên nội các, đoàn doanh nghiệp, nghị sĩ, tiểu bang đã đến Việt Nam, bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Nông nghiệp, Đại diện Thương mại, và Bộ trưởng Tài chính.
Là người từng đứng đầu Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, giờ đây trong vai trò Bộ trưởng Tài chính, bà Janet Yellen đã gặp gỡ các tư lệnh ngành kinh tế của Việt Nam. Bộ trưởng Yellen muốn nhấn mạnh thông điệp về ưu tiên chiến lược “friend-shoring” (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu) nhằm cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ và Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh, ưu tiên của Mỹ là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Vì thế, chính quyền Tổng thống Biden đã ban hành Đạo luật CHIPS và khoa học khuyến khích các nhà sản xuất xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Sau hơn 1 thập kỷ đầu tư tại Việt Nam, “người khổng lồ” Intel đã đổ khoảng 1,5 tỷ USD tại đây, trở thành dự án đầu tư công nghệ tỷ USD duy nhất của Mỹ vào Việt Nam, giúp đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử. Đầu năm nay xuất hiện thông tin tập đoàn này có kế hoạch rót thêm hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam. Dù không xác nhận nhưng đại diện Intel cho biết Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của mình.
Cách đây 1 năm, nhà sản xuất phần mềm thiết kế chip Synopsys thông báo sẽ đào tạo nhân lực thiết kế chip tại Việt Nam và trao chứng nhận để xây dựng một trung tâm thiết kế chip tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Trong chuyến thăm Hà Nội, bà Yellen cho biết, Tập đoàn Amkor, có trụ sở tại Arizona, sẽ sớm khai trương một nhà máy lớn và hiện đại để lắp ráp, thử nghiệm chất bán dẫn tại Bắc Ninh. Còn tại Đồng Nai, Onsemi đang sản xuất chip được sử dụng trong ô tô.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận định thương mại và đầu tư có vai trò cốt lõi trong quan hệ Việt - Mỹ. Mỹ muốn có chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn và dẻo dai ở Việt Nam. Còn Việt Nam muốn Mỹ tăng đầu tư và tiếp cận thị trường Mỹ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Yellen đã tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong cải cách kinh tế và hội nhập toàn cầu. Thông điệp “friend-shoring” cho thấy Việt Nam có vị thế ưu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ.
Bên cạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng cũng là một lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm. Giữa tháng 7, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã hoàn thành tiếp nhận gần 70.000 tấn LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) đầu tiên nhập khẩu từ “gã khổng lồ” dầu khí Shell về Việt Nam tại cảng Cái Mép-Thị Vải.
Còn những băn khoăn khi “lót ổ cho đại bàng”
Trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội, khẳng định Việt Nam ngày càng có sức hút đối với dòng đầu tư từ Mỹ trong bối cảnh nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Biden, dự kiến sẽ có một số công bố về các dự án và thỏa thuận kinh doanh.
Trong khi đó, Reuters đưa tin Boeing và AES có thể công bố về thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm.
Dù “đèn xanh” từ cấp cao đã được bật, việc cụ thể hóa các dự đầu tư giá trị lớn từ Mỹ gặp không ít thách thức. Trong lĩnh vực chất bán dẫn, thiếu nhân lực là một trở ngại lớn. Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng chỉ đáp ứng được dưới 20%.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghệ cao, Việt Nam sẽ cần tính đến việc nới lỏng các quy định về cấp phép cho người nước ngoài.
Nói về môi trường kinh doanh, ông Adam Sitkoff cho biết, nhà đầu tư nước ngoài vẫn e ngại các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép, chấp thuận và yêu cầu báo cáo khắt khe, trong đó có xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Vẫn theo ông Adam Sitkoff, một đòi hỏi của các công ty Mỹ khi chọn Việt Nam là khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Ngoài ra, AmCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận toàn diện để xây dựng khung khổ luật pháp cho kinh tế số. Một số vấn đề khác bao gồm hạ tầng cơ sở, quyền sở hữu trí tuệ, giáo dục, y tế và chính sách an sinh xã hội, sự chắc chắn về luật pháp và chính sách thuế.
“Tiến bộ trong các lĩnh vực này sẽ không chỉ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài mà còn hỗ trợ Việt Nam thực hiện khát vọng nâng tầm mình lên cấp độ cao hơn về sức cạnh tranh kinh tế,” đại diện AmCham nêu quan điểm.