Theo tài liệu ĐHĐCĐ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), năm 2023 lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất sau thuế lần lượt là 27.527 tỷ đồng và 4.264 tỷ đồng.
Kế hoạch này của GVR ghi nhận giảm 3% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2022.
|
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của GVR |
GVR cho biết, năm 2023 theo dự báo có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Trước thực trạng giá bán mủ cao su, sản phẩm chính của ngành liên tục suy giảm và khó tiêu thụ đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.
Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khối thủy điện tuy hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện (phụ thuộc vào khách hàng) nên khu vực này dự báo sẽ có tăng trưởng so với kế hoạch được giao nhưng không lớn.
Khối các công ty khu công nghiệp hoạt động khá thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, chia cổ tức cho các cổ đông/Tập đoàn cao nhưng quy mô nhỏ và hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê nên việc gia tăng nguồn thu, tạo đà tăng trưởng đột biến trong năm kế hoạch sẽ rất khó khăn.
Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong Tập đoàn, tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên dự báo nhu cầu, giá bán sẽ chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương,... liên tục tăng.
Theo GVR, rất nhiều dự án trọng điểm/với quy mô lớn của Tập đoàn đã và đang quyết liệt triển khai trong năm 2023 bao gồm: Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II do công ty con là CTCP KCN Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư với diện tích 344 ha tại phường Hội nghĩa, phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND Bình Dương đã có quyết định cho thuê đất để thực hiện dự án theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp do công ty con là CTCP KCN Bắc Đồng Phú làm chủ đầu tư với diện tích 317 ha tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú và xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng, tỉnh Bình Dương do công ty con là CTCP Công nghiệp An Điền làm chủ đầu tư với quy mô 360 ha tại xã An Tây và xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh – giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh do công ty mẹ - Tập đoàn làm chủ đầu tư trực tiếp với quy mô 495,17 ha tại ấp Đá Hàng và ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.
Dự án Khu công nghiệp Minh Hưng III mở rộng do công ty con là CTCP Khu công nghiệp Cao su Bình Long là chủ đầu tư với quy mô 577,53 ha tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện nay đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định...).