Chủ tịch HĐQT CKG Trần Thọ Thắng
|
Dù vậy, mức thu nhập của vị Chủ tịch CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) năm 2023 vẫn chưa bằng năm 2022, khi đó con số là 13.7 tỷ đồng, tức hơn 1.1 tỷ đồng/tháng.
Năm 2023, khoản thu nhập ông Thắng nhận được bằng số tiền Công ty chi cho toàn bộ nhân viên bán hàng (11.8 tỷ đồng), còn năm 2022 ở mức gấp đôi (6.9 tỷ đồng). Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐQT Quảng Trọng Sang chỉ nhận được 120 triệu đồng, các vị trí Thành viên HĐQT còn lại nhận 87 triệu đồng/người.
Theo BCTC kiểm toán các năm trước, tiền lương và thu nhập khác của ông Thắng đã tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn 2016 – 2019, thời điểm ông còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và tỷ trọng luôn ở mức cao, chiếm từ 40 - 52% tổng mức chi trả cho Ban Lãnh đạo CKG.
Diễn biến thu nhập của Chủ tịch HĐQT Trần Thọ Thắng giai đoạn 2016 – 2023 (Đvt: tỷ đồng)
(*) vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
Nguồn: Tổng hợp
|
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, trả lời câu hỏi của một cổ đông về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 cho quỹ khen thưởng và thù lao HĐQT, Ban Điều hành đang cao, Tổng Giám đốc CKG Phạm Thị Như Phượng cho rằng, tổng tiền chi trả thù lao cho HĐQT năm 2021 là 7 tỷ đồng, so với lợi nhuận đạt được 144 tỷ đồng, tương ứng khoảng 7% để chi trả hoạt động quản lý điều hành một năm và của 9 Thành viên HĐQT là thấp so với đóng góp điều hành Công ty, hoạt động 3 tháng hoàn thành kế hoạch cả năm, điều hành tiết kiệm các chi phí giá thành, quản lý doanh nghiệp, lãi vay, tăng lợi nhuận, do đó mức chi trả này là phù hợp.
So sánh riêng năm 2023, có thể xếp thu nhập của vị Chủ tịch CKG vào nhóm đứng đầu trong các doanh nghiệp bất động sản nổi bật, chẳng hạn Chủ tịch VHM Phạm Thiếu Hoa chỉ nhận 6.3 tỷ đồng, bằng một nửa thu nhập ông Thắng.
Hay Chủ tịch CEO Đoàn Văn Bình nhận 6 tỷ đồng và Chủ tịch NLG Nguyễn Xuân Quang nhận 5.1 tỷ đồng. Phần lớn còn lại ở mức từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng. Trường hợp “khủng” khác có thể kể đến thu nhập 11.9 tỷ đồng năm 2022 của Chủ tịch PDR Nguyễn Văn Đạt. Tuy nhiên, trong năm qua ông Đạt chỉ nhận được 1.9 tỷ đồng.
Thu nhập năm 2023 của Chủ tịch HĐQT một số doanh nghiệp bất động sản (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Tổng hợp
|
Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐQT CKG Trần Thọ Thắng (sinh năm 1965) là kiến trúc sư, quê tại tỉnh Kiên Giang. Trước đây ông Thắng từng làm trong Ban quản lý thống nhất thuộc UBNN tỉnh Kiên Giang và Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Kiên Giang trước khi làm Tổng Giám đốc CKG từ năm 2006 đến 2020.
Tính đến cuối năm ngoái, ông Thắng nắm 9.35% vốn CKG. Hiện ông còn đang làm Chủ tịch HĐQT các công ty con gồm Vật liệu Xây dựng CIC Thắng Anh, Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc và công ty liên kết Phát triển Đô thị Kiên Giang. Phó Tổng Giám đốc CKG bà Trần Ngọc Hạnh là em ruột ông Thắng.
Giảm lãi sau kiểm toán
Sau kiểm toán BCTC năm 2023, lãi ròng CKG giảm khoảng 10 tỷ đồng, còn 143 tỷ đồng. Lý do là kiểm toán yêu cầu trích bổ sung các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đến hạn của các công ty con dẫn đến chi phí quản lý tăng ở mức tương đương so với báo cáo tự lập.
So với năm 2022, lãi năm 2023 giảm 14%. Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, tính thanh khoản thấp, nhà đầu tư cân nhắc kỹ, dè dặt việc đầu tư vào bất động sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là nguyên nhân khiến doanh thu CKG thu hẹp 10%, còn 1.3 ngàn tỷ đồng.
Công ty cho biết, đã thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng, đẩy nhanh bán nhà tại các dự án đã đủ điều kiện nên làm chi phí bán hàng tăng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do doanh thu của dự án nhà ở xã hội (NOXH) chiếm 58% trên tổng doanh thu năm 2023 và theo quy định thì lợi nhuận các dự án này không được quá 10% chi phí đầu tư. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận của dự án NOXH làm giảm lợi nhuận chung của CKG.
Dù kết quả không bằng năm 2022 và thị trường bất động sản nhìn chung còn khó khăn, doanh nghiệp của ông Thắng vẫn thu lãi ở mức cao so với thập niên trước đó. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh phần lớn trong trạng thái âm.
Diễn biến lãi ròng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CKG từ năm 2011 |
|
Cuối năm 2023, hàng tồn kho của CKG khoảng 2.9 ngàn tỷ đồng (chiếm 61% tổng tài sản) và tập trung là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; nhiều nhất nằm tại dự án khu dân cưc lấn biển Tây Bắc số tiền 827 tỷ đồng, theo sau là các dự án: khu dân cư Bắc Vĩnh Quang 556 tỷ đồng, dự án khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Riverside Villas 428 tỷ đồng, dự án biệt thự cao cấp Búng Gội 324 tỷ đồng…
Một số dự án đang trong quá trình xây dựng cơ bản dở dang như khu Bà Kèo Phú Quốc (chi phí đã thực hiện 85 tỷ đồng), biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Bãi Vòng (179 tỷ đồng), khu biệt thự nghỉ dưỡng tại khu phố 5 (30 tỷ đồng).
Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của CKG cuối năm 2023. Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất 2023 của CKG
|
Chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023
Dù bước sang năm 2024 nhưng CKG vẫn chưa hoàn tất ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Công ty đã 2 lần tổ chức trước đó nhưng bất thành. Lần đầu vào ngày 29/6/2023 không thành công do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ điều kiện theo quy định.
Tại lần sau đó một tháng, vấn đề nảy sinh trong kết quả biểu quyết đối với Chương trình đại hội lần 2 và Quy chế tổ chức, làm việc không đạt tỷ lệ thông qua, nên cuộc họp không thể tiến hành tiếp.
Trước đại hội lần 2, CKG có nhận được đơn ứng cử, đề cử và thư bãi nhiệm từ phía nhóm 5 cổ đông cá nhân. Cụ thể, nhóm cổ đông sở hữu hơn 8.9 triệu cp, tương ứng 10.25% vốn cổ phần có quyền biểu quyết có đơn đề nghị bãi nhiệm 8/9 Thành viên HĐQT, đồng thời đề cử nhân sự tham gia HĐQT CKG nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, nhóm cổ đông cho biết, đã có đơn đề cử nhân sự là ông Bùi Tiến Đức (không sở hữu cổ phần CKG) đại diện phần vốn góp của nhóm tham gia ứng cử HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo chia sẻ từ các cổ đông này, với mong muốn đồng hành và đóng góp cho sự phát triển công ty, và dựa trên Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, điều lệ tổ chức và hoạt động của CKG, đã đề cử người vào HĐQT.
HĐQT CKG sau đó đã ra quyết định từ chối yêu cầu bãi nhiệm cũng như đơn ứng cử của nhóm cổ đông này. Việc lùm xùm đã dẫn đến tranh luận tại đại hội, kết quả là tỷ lệ không tán thành các nội dung lên đến 56%.
Đầu tháng 4 năm nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) quyết định tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu CKG do chậm nộp BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. CKG cho biết, nguyên nhân là do việc chuyển phát tài liệu giữa kiểm toán và Công ty bị chậm trễ.
Kết quả biểu quyết tại ĐHĐCĐ thường niên lần 2 năm 2023 của CKG. Nguồn: CKG
|