ĐHĐCĐ năm 2020 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kết thúc với phần hỏi đáp sôi nổi của các cổ đông và các thành viên HĐQT ngân hàng này.
Đáng chú ý, có cổ đông đặt vấn đề, VPBank đang triển khai việc thoái bớt vốn tại FE Credit (Công ty Tài chính tiêu dùng của VPBank) - đây vốn được coi là con gà đẻ trứng vàng của ngân hàng. Vậy HĐQT ngân hàng lên kế hoạch thoái tối đa bao nhiêu % vốn tại đây và dự kiến sẽ lấy phần kinh doanh nào để bù vào phần hụt thu do thoái vốn tại FE Credit.
|
ĐHĐCĐ thường niên VPBank năm 2020.
|
Trả lời câu hỏi trên, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, FE Credit có thể kêu gọi tối đa tới 49% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, việc bán tới 49% vốn sẽ làm giảm quyền lợi của ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, khi đối tác có khả năng mua tới 49% vốn FE Credit cũng sẽ đem theo công nghệ, kinh nghiệm, nguồn vốn hùng hậu vào đây và đó là điều tốt cho FE Credit.
Cùng với đó, lượng tiền bán vốn tại FE Credit mà ngân hàng mẹ thu về cũng sẽ có phương án để được sử dụng hiệu quả nhất, có thêm cơ hội để ngân hàng tập trung vào những mảng kinh doanh chiến lược, ông Dũng nói.
Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, VPBank xác định rõ chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Tuy nhiên, trọng tâm cũng có những thay đổi nhất định trong từng giai đoạn.
Ví dụ, trong thời gian gần đây, ngân hàng có tập trung nhiều vào mảng trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trong quý 1 và 2 vừa qua vì thị trường cũng có những diễn biến khác thường.
"Ngân hàng không thể bỏ những doanh nghiệp SME đang lớn mạnh đã từng được ngân hàng hỗ trợ từ khi còn nhỏ. Cùng với đó, thời điểm vừa qua, phân khúc khách hàng ngân hàng muốn hỗ trợ nhưng lại đang gặp khó khăn nên phải dừng lại và tìm kiếm cơ hội khác. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng cho vay với những dự án lớn hơn, khách hàng lớn hơn trong 6 tháng đầu năm 2020 là hợp lý và 6 tháng cuối năm ngân hàng sẽ tiếp tục quay trở lại với những đối tượng mục tiêu như trước đây", ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho rằng, việc đầu tư trái phiếu cho các khách hàng lớn không khác gì cho vay vào các dự án bất động sản và ngân hàng cũng đang quản trị khoản đầu tư này giống như một khoản vay nên đảm bảo không rủi ro. Cùng với đó, cho vay thông thường thì nhiều thủ tục hơn, còn mô hình trái phiếu thì được làm nhanh hơn, đặc biệt trái phiếu lại có thanh khoản tốt hơn.
Chia sẻ thêm quan điểm về đầu tư bất động sản, ông Vinh cho biết, ngành bất động sản đang mang lại hơn 20% thu nhập GDP. Tuy nhiên, ngành này sẽ rủi ro khi bị đầu tư quá gây hiện tượng bong bóng hoặc có vướng mắc về pháp lý. Còn lại, theo ông Vinh đây là ngành đặc biệt quan trọng với ngân hàng. Xác định cho vay mua nhà có vai trò lớn trong tín dụng tiêu dùng, theo ông Vinh VPBank xác định sẽ đẩy mạnh cho vay mua nhà trong giai đoạn khó khăn này.
"Khách hàng giữ nhà thì nhà chỉ có thể bị giảm giá chứ không thể mất đi như đầu tư chứng khoán. Kinh nghiệm từ việc xử lý khủng khoảng những năm trước đây, ngân hàng vẫn thu được đến hơn 90% nợ từ bất động sản", ông Vinh nhấn mạnh.
Năm thứ 3 không được chia cổ tức
Năm 2019, VPBank báo lãi 10.324 tỷ đồng, tăng trưởng 12%, vượt kế hoạch 9%. Đây cũng là lần đầu tiên VPBank ghi tên vào Top ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ. Tuy nhiên, đây cũng là năm thứ 3 ngân hàng này không chia lợi nhuận. Đây cũng là vấn đề khiến Đại hội VPBank năm nay trở nên sôi nổi hơn.
Chia sẻ tâm tư tại ĐHĐCĐ, một cổ đông đã 80 tuổi của VPBank cho biết, đây có thể là lần cuối cùng ông tham dự ĐHĐCĐ của ngân hàng và đã góp tiền vào gây dựng ngân hàng từ những ngày vốn điều lệ của VPBank mới chỉ 70 tỷ đồng.
"Ngân hàng báo lãi lớn, nhưng 3 năm rồi không được chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu. Vậy lợi ích của cổ đông là gì? Ngân hàng Nhà nước dựa vào đâu để không cho ngân hàng chia cổ tức, nâng vốn điều lệ?", cổ đông băn khoăn.
Một cổ đông cũng đặt vấn đề, đã mấy năm ngân hàng không chia cổ tức. Ngân hàng nên tính tới phương án nếu không chia cổ tức bằng tiền mặt thì cũng nên chia bằng cổ phiếu.
Trả lời những thắc mắc trên của cổ đông, đại diện HĐQT VPBank nói, ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc thù, phải tăng trưởng liên tục, không thể dừng lại và quy mô vốn rất quan trọng. Ngân hàng luôn cần duy trì lượng vốn đối ứng để đảm bảo sự phát triển ngân hàng.
Trong vòng 10 năm qua hệ số tăng trưởng lợi nhuận của VPBank đều đạt từ 15-20%. Và con số này chỉ đạt được khi lượng vốn chủ sở hữu đầy đủ để phát triển ngân hàng. VPBank đang hướng tới mục tiêu lọt Top 3 ngân hàng lớn nhất trên thị trường ngân hàng Việt Nam. "HĐQT mong cổ đông hiểu cho chiến lược của HĐQT", vị này cho biết.
Năm 2020, VPBank đặt mục tiêu kinh doanh khá khiêm tốn: Tổng tài sản đạt 425.132 tỷ đồng, tăng 12,7%; Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 299.728 tỷ đồng, tăng 10,4%; Dư nợ cấp tín dụng đạt 304.744 tỷ đồng, tăng 12,3%; Lợi nhuận trước thuế đạt 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1%; Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.