"Thế trận" của Tập đoàn FLC sau Đại hội bất thường như nào?

Anh vợ của ông Trịnh Văn Quyết chính thức là tân Chủ tịch Tập đoàn FLC trong bối cảnh doanh nghiệp này còn nhiều vấn đề.
Sau khi đại hội lần đầu không thành công, đại hội cổ đông bất thường lần 2 của Tập đoàn FLC đã diễn ra vào sáng ngày 2/7.
Trong cơ cấu cổ đông, hiện một mình cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã sở hữu tới 30,34% vốn của FLC. Trước khi bị bắt tạm giam, ông Quyết đã ủy quyền toàn bộ số cổ phần tại Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Chủ tịch Tập đoàn FLC Đặng Tất Thắng hiện nay cũng đồng thời là Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.
Đại hội bất thường lần này của FLC sẽ bầu bổ sung ba thành viên HĐQT thay cho ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung và ông Lã Quý Hiển, đồng thời bầu bổ sung toàn bộ ba thành viên Ban Kiểm soát.
Theo đó, đại hội đã bầu bổ sung thêm 3 thành viên vào hội đồng quản trị gồm ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm.
Trong đó ông Lê Bá Nguyên được bầu vào vị trí ghế nóng tân Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Bá Nguyên (sinh năm 1977) tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế. Ông cũng từng giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP dịch vụ y tế Hà Thành, Công ty CP Tập đoàn dược phẩm ATS và từng là thành viên HĐQT Tập đoàn FLC từ năm 2013 đến tháng 10-2017.
Đáng chú ý, tân Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng là anh ruột bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Trịnh Văn Quyết.
Đồng thời, đại hội đã thống nhất để bà Bùi Hải Huyền giữ chức phó Chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng giữ chức phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
 
Chưa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021
Trước thềm Đại hội, khá nhiều biến động xảy ra với FLC. Tính đến hiện tại, Tập đoàn FLC chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên 2021 nên chưa đủ điều kiện tổ chức Đại hội thường niên.
FLC giải trình do chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp nên Tập đoàn chưa thể thực hiện nộp và công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo đúng quy định. Hiện nay, FLC vẫn đang gấp rút tìm kiếm đơn vị kiểm toán mới trong danh sách các đơn vị kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.
Tập đoàn FLC ban đầu lựa chọn Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021. Tuy nhiên, ngày 30/3 vừa qua, đơn vị này đã bị Ủy ban Chứng khoán đình chỉ tư cách được kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
Theo báo cáo tự lập, lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của FLC đạt 6.772 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt gần 84 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm 2020.
So với kế hoạch kinh doanh 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, FLC mới thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Còn trong quý đầu năm nay, FLC báo doanh thu thuần 1.085 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, FLC báo lỗ sau thuế hơn 465,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 42,5 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất mà Tập đoàn FLC phải chịu kể từ quý 2/2020.
Theo giải trình của FLC, trong 3 tháng đầu năm 2022, công ty thu hẹp mảng kinh doanh thương mại và doanh thu bất động sản giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Đặc biệt, chi phí tài chính tăng mạnh lên 161 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư. Ngoài ra, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng vì khoản đầu tư trong các công ty liên doanh - liên kết, trong khi quý 1/2021 khoản mục này có lãi gần 18 tỷ đồng.
Cổ phiếu tăng đột biến và pha giải trình "ấn tượng"
Kết phiên giao dịch 1/7, trong khi VN-Index sụt giảm sâu, mất hơn 20 điểm trước khi phục hồi thì cổ phiếu FLC vẫn tăng giá. Mã này tăng 1% lên 5.800 đồng/cổ phiếu.
Tính từ phiên 21/6 tới nay, mã này đã tăng tới 58% - tức giúp nhiều nhà đầu tư tăng hơn gấp rưỡi giá trị đầu tư. Tuy nhiên, với thị giá 5.800 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại thì nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" vào hồi tháng 1 (vùng giá trên 20.000 đồng) vẫn còn gánh thua lỗ nặng nề. Đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của FLC, trong đó có 6 phiên tăng trần.
Với diễn biến trên, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã yêu cầu FLC và FLC Faros phải giải trình theo quy định tại Thông tư 96 năm 2020. Cụ thể, điều khoản quy định các công ty đại chúng có 24 giờ để báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trong trường hợp giá tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên.
Theo đó, FLC Faros cho biết, việc tăng giá hoàn toàn do cung cầu của thị trường chứng khoán, nằm ngoài sự kiểm soát của công ty và nội bộ doanh nghiệp không có bất kỳ sự kiện gì có thể gây ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian qua.
Về phía FLC, tập đoàn cho hay, chưa nhận biết được sự kiện, thông tin nào đã gây ảnh hưởng đến thị trường và khiến giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Ngoài ra, FLC có lời đề nghị các cơ quan, tổ chức thông tin cho doanh nghiệp nếu nhận biết được sự kiện gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, sau đó sẽ tiếp tục công bố đầy đủ theo quy định.
Thay đổi tài sản thế chấp, muốn "chuộc lại" bản doanh chính tại Cầu Giấy
Ngày 29/6 vừa qua, HĐQT FLC đã ban hành Nghị quyết thông qua việc FLC cùng với CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập.
HĐQT FLC cũng cho phép bán/chuyển nhượng tòa nhà 265 Cầu Giấy cho một bên khác với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán) sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà từ OCB.
Được biết, tháng 11/2020, tòa nhà này được FLC gán cho OCB để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của mình và một số công ty cùng nhóm. FLC sau đó thuê lại một phần diện tích của chính tòa nhà này từ OCB để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì hành vi thao túng giá chứng khoán, ngày 1/6/2022, logo 'FLC Group' đặt phía trước tòa tháp văn phòng tại số 265 Cầu Giấy bất ngờ bị tháo dỡ, làm dấy lên những đồn đoán về việc chuyển hội sở của FLC và hãng bay trực thuộc, là Bamboo Airways.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 28/6, FLC đã sử dụng loạt một loạt bất động sản tại tỉnh Gia Lai để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của mình và Công ty TNHH MTV FLC Land phát sinh tại OCB.
Mục đích bảo đảm, theo quyết nghị của HĐQT FLC, là để đổi chấp một phần và/hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho một số nghĩa vụ nợ và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho công ty.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN