Cụ thể, năm 2021, Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu 900 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chiếm nhiều nhất là từ thu phí đường bộ (550 tỷ), tiếp đến là lĩnh vực khác (500 tỷ), còn bất động sản vỏn vẹn 50 tỷ. Thu không đủ bù chi nên Tasco dự kiến lỗ 100 tỷ đồng và không chia cổ tức.
Riêng trong quý 1/2021, Tasco đã lỗ hơn 23 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp chìm trong thua lỗ.
Trọng tâm năm 2021, Tasco cho biết tập trung hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng của VETC, quyết toán dự án BT Lê Đức Thọ và hoàn thành việc giao đất cho dự án 48 Trần Duy Hưng và một phần dự án Foresa Mỹ Đình.
Năm 2020, Tasco lỗ tới 235 tỷ đồng nên không phân phối lợi nhuận. Theo Tasco, năm 2020 thua lỗ nặng nề do hoạt động thu phí không dừng vẫn chưa đủ bù đắp chi phí của dự án. Dự án vẫn đang trong giai đoạn 1, vận hành hỗn hợp làn ETC và làn MTC nên chi phí vận hành lớn, đồng thời chi phí khấu hao và chi phí tài chính thời gian đầu của dự án rất lớn.
Tính đến hết năm 2020, ngoài số tiền góp vốn 277 tỷ, Tasco đã cho VETC vay hơn 327 tỷ đồng, nâng tổng số tiền Tasco chi vào dự án này là 604 tỷ đồng. Trong khi đó, Tasco chưa nhận được tiền lãi hay cổ tức từ VETC.
Đối với kinh doanh bất động sản, dự án Foresa Villa bị rà soát nghĩa vụ tài chính tăng 105 tỷ đồng so với số tiền đã hạch toán. Do đó, công ty phải thực hiện hạch toán giá vốn tăng lên đối với dự án này.
Ngoài ra, Tasco còn phải hạch toán lỗ toàn bộ chi phí đã đầu tư cho dự án BT70 tại CTCP Bất động sản Thái An.
Công ty cũng có một số khoản nợ phải thu đã quá hạn và có khả năng không thể thu hồi. Cũng trong năm qua, Tasco thất bại trong việc thoái vốn khỏi lĩnh vực y tế.
Mặc dù làm ăn thua lỗ là vậy, song trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HUT của Tasco hiện chỉ giao dịch quanh mức giá 8.800 đồng/cp, nhưng vẫn ghi nhận tăng hơn 39% trong vòng 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch bình quân khá cao với hơn 6,7 triệu đơn vị mỗi phiên.