Tính đến 31/3, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) của ‘vua thép’ Trần Đình Long đứng đầu trong việc nắm giữ tiền mặt với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng lên tới 46.300 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD), chiếm 25% tổng tài sản. Con số này tăng hơn 5.600 tỷ đồng so với đầu năm và gấp đôi so với cuối năm 2020.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 19.060 tỷ đồng (giảm 15% so với đầu năm), tiền gửi ngắn hạn là 27.249 tỷ đồng và tiền gửi dài hạn tại ngân hàng là 515 tỷ đồng.
Mặc dù sở hữu lượng tiền mặt lớn, tuy nhiên nợ vay của HPG vẫn tăng đều qua các năm do việc liên tục mở rộng quy mô hoạt động. Đến cuối tháng 3/2022, nợ phải trả là 86.900 tỷ đồng.
Trong khoản nợ 86.900 tỷ đồng thì Hòa Phát có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ vay, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 46.260 tỷ đồng, tương đương tăng 5,7% so với đầu năm và vay và nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận gần 13.921 tỷ đồng, giảm 3,4%. Việc tăng cường vay ngắn hạn thay vì vay dài hạn sẽ giúp bớt đi gánh nặng lãi vay của Hòa Phát.
|
Lượng tiền mặt của HPG đứng đầu bảng của các doanh nghiệp niêm yết. |
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, trong phần trả lời cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long lý giải việc Hòa Phát duy trì lượng tiền mặt hơn 40.000 tỷ đồng nhưng vẫn đi vay ngân hàng làm dự án.
Vị Chủ tịch cho biết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp là rất lớn. Tại dự án Dung Quất 2, vốn cần cho dự án là 70.000 tỷ đồng, và doanh nghiệp vay được ngân hàng 35.000 tỷ đồng đã là mức kỷ lục tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
Ông Long nhấn mạnh doanh nghiệp đang kiên định vươn lên tầm cao mới, tiếp tục tiến lên với các dự án mới nên rất cần vốn. Việc huy động thêm vốn với một doanh nghiệp là rất bình thường.
Hiện sản lượng thép của Hòa Phát đang đạt khoảng 8,5 triệu tấn thép, doanh nghiệp đang triển khai dự án Dung Quất 2 để đưa sản lượng lên 14,5 triệu tấn.
"Muốn phát triển lên quy mô lớn hơn thì phải có vốn. Không thể nói phát hành thêm cổ phiếu là phát hành bằng giấy lộn. Doanh thu một ngày của Hòa Phát khoảng 500 tỷ, doanh thu thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, bằng khoảng 4.000-5.000 công ty bình thường. Muốn làm thêm cá dự án thì phải có vốn", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, trong số tiền mặt có sẵn, bắt buộc phải có 20.000 tỷ đồng là "tiền lỏng" (tiền không thể hoạt động) luôn sẵn sàng để đảm bảo khả năng thanh toán. Số tiền này không được phép dùng kinh doanh, không dùng vào việc gì.
"Rất nhiều người gặp tôi bảo để tiền vậy phí thế. Nhưng chúng tôi để tiền vậy để đảm bảo an toàn, đảm bảo sự phát triển của dự án Dung Quất 2 và của Tập đoàn", ông Long nói.
|
Vua thép Trần Đình Long. |
Cân đo đong đếm để trả cổ tức tiền mặt
Cũng vì nguồn tiền eo hẹp, nên Hòa Phát đã đề xuất phương án chi trả cổ tức 2021 tổng tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều cổ đông tại đại hội đã đề xuất Hòa Phát nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên 10%.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết năm nay không thể chia cổ tức tiền mặt cao hơn vì công ty đang cần rất nhiều vốn để đầu tư cho các dự án trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Dung Quất 2. Với quy mô của dự án Dung Quất 2 khoảng 75.000-80.000 tỷ đồng, Hòa Phát chỉ vay 35.000 tỷ đồng.
Phần còn lại Hòa Phát cần khoảng 30.000 tỷ đồng tiền không kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu trả nợ, mua nguyên vật liệu... Vì vậy, với lượng tiền mặt hiện có, sau khi chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% thì Hòa Phát có thể phải tăng thêm vay nợ.
"Nếu dừng lại thì Hòa Phát sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua". Ý nghĩa của câu nói này là ngoài những gì đã có, Hòa Phát còn phải vươn tới tầm khu vực, như việc làm dự án Dung Quất giai đoạn 2. Thậm chí, hiện nay Hòa Phát còn tiếp tục nghiên cứu các dự án thép khác. "Chúng ta đang cần rất nhiều vốn", ông Long nói.
Với nhu cầu vốn cao, việc chia cổ tức bằng tiền, theo Chủ tịch Hòa Phát, sẽ tạo áp lực lớn, ngay cả khi tỷ lệ chỉ là 5%.
"Là cổ đông lớn nhất thì tôi cũng muốn chia nhiều tiền chứ. Nhưng nhu cầu vốn trong thời gian tới là rất lớn, ngay cả với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 5% cũng e là hơi nhiều", ông Long chia sẻ.
Trong quá khứ, năm 2009 là năm kỷ lục về tỷ lệ tổng cổ tức của Hòa Phát khi tập đoàn này trả cho cổ đông 10% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu, tổng tỷ lệ là 60%.
Liên tiếp trong hai năm 2011 và 2012, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vì đây là giai đoạn công ty tập trung vốn để thực hiện giai đoạn 2 Khu liên hợp gang thép Hải Dương.
Đến tháng 10/2013, dự án Hòa Phát Hải Dương hoàn thành và đi vào vận hành, tập đoàn nối lại việc trả cổ tức tiền mặt trong năm 2013 với tỷ lệ 15%, đồng thời trả bằng cổ phiếu 15% nữa.
Liên tiếp trong ba năm 2016, 2017 và 2018, Hòa Phát không trả cổ tức tiền mặt vì cần nguồn vốn để đầu tư cho Khu Liên hợp sản xuất gang thép ở Dung Quất, Quảng Ngãi.
Năm 2019, là năm đầu tiên Hòa Phát trở lại trả cổ tức tiền mặt kể từ khi đầu tư vào Dung Quất với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Đến năm 2020 thì Hoà Phát đề xuất trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ tức. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 22/4/2021, một cổ đông cá nhân đã đề nghị nâng tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu lên 35%. Đề xuất này đã được đưa ra đại hội để biểu quyết và thông qua. Vì vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2020 được nâng lên thành 40%.