Theo đó, Sữa Quốc tế LOF dự kiến vay vốn, phát hành bảo lãnh, phát hành thư tín dụng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP HCM với hạn mức 700 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Bến Nghé với hạn mức 600 tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Phú Nhuận với hạn mức 800 tỷ đồng.
Sữa Quốc tế LOF cho biết sẽ dùng hợp đồng tiền gửi thuộc sở hữu công ty/thành viên vốn góp/bên thứ ba, trái phiếu, máy móc thiết bị, bất động sản làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán, trả nợ của công ty tại 3 ngân hàng trên.
Mục đích vay vốn để bổ sung vốn lưu động và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và từ sữa trong giai đoạn 2024 - 2025.
|
Sữa Quốc tế LOF mới đây đã chuyển trụ sở chính vào Bình Dương. |
Sữa Quốc tế LOF được thành lập năm 2004, biết đến với thương hiệu sữa Kun, sữa LOF Ba Vì, Malto, LOF, LIF... Đây là một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của vợ chồng "bà trùm" F&B Trương Nguyễn Thiên Kim.
Hiện, ông Tô Hải - chồng bà Thiên Kim đang là Chủ tịch HĐQT Sữa Quốc tế LOF.
Trước đó, ngày 19/7, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF được đổi tên từ Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP. Sau khi đổi tên, trụ sở chính của công ty đã chuyển từ Ba Vì, Hà Nội, đến khu công nghiệp Bàu Bàng, Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Xét về hoạt động kinh doanh, quý II/2024, doanh thu của Sữa Quốc tế LOF đạt 1.929,86 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 287,91 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 39,6% lên 40,9%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của công ty đạt 3.514,24 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 511,3 tỷ đồng, tăng 13% so với nửa đầu năm 2023. Với kết quả này, Sữa Quốc tế LOF đã hoàn thành 53,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế tối đa 950 tỷ đồng mà công ty đã đặt ra cho năm 2024.
Về cơ cấu tài sản, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản Sữa Quốc tế đạt 5.661 tỷ đồng, mở rộng 8% so với thời điểm đầu năm. Đóng góp chủ yếu vào cơ cấu tài sản tới từ 1.608 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 28% danh mục. Đáng chú ý, tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.169 tỷ đồng, vọt tăng 95% so với đầu năm.
Phía bên kia nguồn cân đối kế toán, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã vay thêm 1.651 tỷ đồng, đáo hạn vay 1.174 tỷ đồng và trả lãi 16 tỷ đồng. Sữa Quốc tế còn nợ 1.253 tỷ đồng, chủ yếu tới từ nợ vay ngắn hạn với 1.045 tỷ đồng.
Sữa Quốc tế LOF đang sở hữu hai nhà máy khác tại Ba Vì và Củ Chi, với tổng công suất cũng lên tới 300.000 tấn sản phẩm/năm.