|
Shark Liên trong chương trình Thương vụ bạc tỷ. |
Sáng 15/4, Shark Liên có một bài viết trên Facebook chia sẻ về câu chuyện với tựa đề "NGHỈ VIỆC CÓ THẬT SỰ ĐÁNG SỢ KHÔNG?". Câu chuyện này được Shark Liên nói ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều công ty phải giảm lương, sa thải nhân viên.
Người lao động đắn đó không biết cuộc sống của mình sau khi nghỉ việc thế nào, và đối mặt với sếp cũ ra làm sao? Nhưng nếu để trả lời cho câu hỏi "NGHỈ VIỆC CÓ THẬT SỰ ĐÁNG SỢ KHÔNG?", thì Shark Liên cho rằng là không đáng sợ. Hãy cùng xem cách nhìn nhận và đánh giá của Shark Liên dưới đây.
1. Hãy định nghĩa đúng về trạng thái của bản thân
Nhiều người vẫn coi nghỉ việc, bao gồm bị công ty cho nghỉ (như nhiều trường hợp trong đại dịch này), hoặc quá sức chịu đựng mà phải chủ động nghỉ là một việc không mong muốn và chứa đầy rủi ro. Từ đó kéo theo những ngày tháng u sầu do tâm lý lo lắng, chán chường, sợ thất nghiệp kéo dài, sợ cạn kiệt tài chính.
Đó là sai lầm. Chúng ta cần nhìn nhận việc này ở một khía cạnh khác, bắt đầu từ việc định nghĩa đúng về tình huống hiện tại: Đây là cơ hội tốt để bạn có thời gian làm những việc trước đây chưa có thời gian làm, cơ hội để chuẩn bị gắn bó với một nơi khác phù hợp với mình hơn. Và dù tệ nhất, đây cũng là cơ hội để bạn thử thách khả năng chịu đựng và vượt khó của mình, đúng không nào?
2. Đây là cơ hội để chuốt lại chính mình
Bất kỳ cỗ máy nào sau một thời gian vận hành đều cần được bảo dưỡng. Chúng ta cũng vậy. Giai đoạn chuyển đổi giữa hai công việc là thời gian quý gia để ta dặm vá những chỗ hổng, chỗ mòn cả về năng lực, kỹ năng, tâm lý.
Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước Xuân Mai - Hoà Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), kiêm Hiệu trưởng trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM), Nhà sáng lập Bảo hiểm Công nghệ LIAN; Lãnh sự Cộng hoà Nam Phi tại TP HCM.
Nghiêm túc nhìn lại những thứ đã qua để rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, sai lầm cũ. Đừng quên làm mới cả ngoại hình: Giảm cân, tập thể dục, thay đổi kiểu tóc, loại kính... Hoặc dành hẳn thời gian những phẫu thuật nhỏ như cắt amidan, nâng mí mắt, mổ mắt cận... Hãy tận dụng triệt để thời gian này để lột xác bản thân!
3. Đã đến lúc dành thời gian cho gia đình
Từ đại dịch mới thấy được việc chăm sóc sức khoẻ là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Đây cũng là lời nhắn gửi cho chúng ta, bất kỳ khi nào có cơ hội và thời gian, hãy gần gũi mọi người trong gia đình nhiều hơn, sau tất cả những bộn bề lúc trước.
Vì vậy hãy tận dụng thời gian chuyển đổi công việc để kết nối tình cảm nhiều hơn, chăm sóc gia đình: Bạn có thể về quê thăm cha mẹ, hay cùng mọi người đi du lịch. Đơn giản nhất, chỉ cần thủ thỉ nói chuyện và làm cơm cùng bố mẹ hằng ngày.
Đừng quá lo lắng hay dành hết tâm sức vào việc mình có tìm được việc mới không, nhỡ lịch phỏng vấn chỗ mới trùng với lịch đi chơi hay về quê thì sao. Hãy tìm ra cách thương lượng với nhà tuyển dụng mới.
4. Hãy tìm kiếm thử thách và cơ hội mới nhưng đừng vội vàng
Ngoài việc trao dồi thêm kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm thì điều bạn cần làm tiếp theo trong khoảng thời gian nghỉ việc đó là cập nhật và xây dựng chính xác lại hồ sơ năng lực bản thân, tìm cho mình cơ hội làm việc phù hợp. Hãy nhớ, nghiêm túc, tập trung nhưng đừng vội vàng. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón công việc mới bằng tâm thế và phiên bản tốt nhất của bản thân.
5. Nhất định phải "lớn" hơn
Nhiều bạn khi nghỉ việc, mang tâm lý bực mình hoặc cay cú với chỗ làm hay sếp cũ. Việc này nếu không tránh khỏi, thì đừng để nó kéo dài và gây ảnh hưởng xấu. Tuyệt đối không viết email hay trực tiếp "kể tội", xả hết ẩn ức với chỗ cũ. Không nói xấu sếp cũ, công ty cũ ở bất cứ đâu, hay với bất cứ ai.
Bởi bạn không bao giờ được đánh giá cao khi nhìn nhận quá tiêu cực về nơi mình đã từng gắn bó, và nếu việc này đến tai sếp hay chỗ cũ, họ sẽ càng thở phào May quá, bạn đã đi rồi. Hơn nữa thế giới này rất nhỏ, bạn sẽ chạm mặt nơi cũ, người cũ nhanh thôi, nên hãy cố gắng giữ mối quan hệ tốt.
Cuối cùng, nếu bạn thật sự ấm ức khi phải chuyển việc, hãy nhớ thần chú: Nhận định và suy nghĩ của bạn chỉ giá trị khi nó độc quyền là của bạn, chia sẻ đến cho người thứ hai, là đã hết giá trị rồi. Hãy giữ kinh nghiệm xương máu và nhạy cảm ấy một mình thôi.
"Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng: Có thay đổi mới có phát triển. Thay đổi công việc theo cách này hay cách khác đều là cơ hội để chúng ta trở thành chúng ta tốt hơn. Cũ không đi mới sao tới, thay vì u sầu buồn bã: Mình đang thất nghiệp, hãy lạc quan vui tươi: Mình đang có thời gian và cơ hội để làm điều trước giờ bận quá không làm được, và sắp có công việc mới rồi", Shark Liên cho biết thêm.