Sau kiểm toán, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm nặng

Báo cáo tài chính 2019 sau kiểm toán của nhiều doanh nghiệp tiếp tục xuất hiện nhiều khoản chênh lệch lớn so với báo cáo tự lập.
 

Lợi nhuận sau thuế của KLF giảm 88% so với báo cáo tự lập

Cụ thể, tại báo cáo tài chính quý 4/2019 của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF), lợi nhuận sau thuế năm 2019 được ghi nhận gần 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, lợi nhuận sau thuế của KLF chỉ còn 1,4 tỷ đồng.

KLF giải trình, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm đến 88% là do Công ty đã trích lập bổ sung một số khoản phải thu và dự phòng khoản đầu tư vào Công ty liên kết.

Như vậy kết thúc năm 2019, KLF có doanh thu đạt hơn 1.830 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018 trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 tỷ đồng, giảm 88% so với năm 2018.

Chính điều này khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của KLF ghi âm tới 527 tỷ đồng.

KLF cho biết, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã khiến nền kinh tế thế giới và Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. 

Hoạt động của KLF cũng đang phải gánh chịu những tác động lớn nhất là mảng dịch vụ. Trong đó dịch vụ du lịch, lữ hành bị đình trệ, trường mầm non tạm thời đóng cửa, các hoạt động kinh doanh hàng hoá khác cũng bị giảm sút. 

Hiện tại, ban giám đốc KLF đang tiếp tục đánh giá tác động của đại dịch này đối với công ty và tìm kiếm các giải pháp trước mắt để đối phó với đại dịch nhằm duy trì và sớm khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường trong giai đoạn tới.

Điều chỉnh lại chi phí, HLC báo lãi sau thuế 2019 giảm 61%

Theo Báo cáo tài chính kiểm toán, CTCP Than Hà Lầm - Vinacomin (HNX: HLC) ghi nhận lãi sau thuế năm 2019 giảm hơn một nửa so với báo cáo tự lập, xuống chỉ còn hơn 20 tỷ đồng từ mức 51 tỷ đồng, tức giảm 61%.

HLC cho rằng kết quả kinh doanh quý 4/2019 chênh lệch như vậy là do Công ty kiểm toán tính toán và điều chỉnh lại chi phí phân bổ trong kỳ.

Sau kiem toan, loi nhuan cua nhieu doanh nghiep giam nang
Nhiều doanh nghiệp giảm lãi sau kiểm toán. 

Như vậy, sau kiểm toán, lãi sau thuế năm 2019 của HLC sụt giảm 62% so với năm 2018, đạt hơn 20 tỷ đồng. Kết quả này là do Công ty chịu ảnh hưởng lãi vay bị khống chế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, lãi vay bị loại trừ khi tính thuế TNDN gần 206 tỷ đồng, tương ứng thuế TNDN phải nộp là hơn 41 tỷ đồng.

Trong năm 2020, HLC lên kế hoạch doanh thu than đạt gần 2.872 tỷ đồng và lợi nhuận sản xuất than đạt hơn 43 tỷ đồng. Trong đó, than nguyên khai thác và than tiêu thụ mỗi loại đạt gần 2,7 triệu tấn.

Lãi ròng giảm 23%, MCG còn bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Sau kiểm toán, doanh thu thuần của CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (HoSE: MCG) giảm 19%, tương đương giảm 28 tỷ đồng và giá vốn hàng bán giảm 24%, tương đương giảm 28 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của MCG giảm 1%, tức giảm 150 triệu đồng so với trước khi kiểm toán.

Theo đó, lãi trước thuế sau kiểm toán của MCG giảm đến 67%, tương đương giảm gần 9 tỷ đồng và lãi ròng giảm 23%, tức giảm hơn 8 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán.

Như vậy, sau kiểm toán, doanh thu thuần của MCG đạt gần 120 tỷ đồng, lãi ròng đạt hơn 11 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2019, MCG mới chỉ thực hiện được 32% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Theo MCG giải trình, nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận hợp nhất trước và sau kiểm toán là do kiểm toán điều chỉnh giảm doanh thu thanh lý tài sản của Công ty mẹ do chưa đủ hồ sơ thanh lý nên không được hạch toán vào kết quả kinh doanh năm 2019 khiến lợi nhuận giảm.

Ngoài ra, MCG còn nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ khi tại thời điểm 31/12/2019 và 1/1/2019, một số khoản nợ phải thu (bao gồm phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu khác) và nợ phải trả bao gồm (phải trả người bán, phải trả khác) chưa được đối chiếu đầy đủ, với giá trị lần lượt là hơn 79 tỷ đồng (số đầu năm là 87 tỷ đồng) và 183 tỷ đồng (số đầu năm là 177 tỷ đồng).

Đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019, đơn vị kiểm toán chưa thu thập đầy đủ thư xác nhận hoặc không thể kiểm tra bằng các thủ tục kiểm toán thay thế đối với số dư các khoản nợ phải thu và nợ phải trả này.

Do đó, đơn vị kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về các số dư chưa được đối chiếu nêu trên, cũng như ảnh hưởng của chúng đến các chỉ tiêu khác trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của MCG.

Phía MCG cho biết, tại thời điểm kết thúc năm 2019, Công ty đã gửi xác nhận đối chiếu công nợ đến các khách hàng, nhà cung cấp cũng như cung cấp các thông tin để phía kiểm toán gửi thư xác nhận độc lập của kiểm toán đến các đối tác của MCG.

Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian nên thời điểm ký báo cáo tài chính, một số công ty đối tác chưa kịp gửi đầy đủ thư xác nhận công nợ. MCG cho biết sẽ sớm bổ sung và cung cấp cho đơn vị kiểm toán, đồng thời cam kết việc ghi nhận các khoản công nợ phải thu, phải trả chưa có đối chiếu là đúng theo thực tế phát sinh từng thời điểm.

Hơn nữa, đơn vị kiểm toán còn lưu ý trong báo cáo tài chính về khoản lỗ lũy kế của Công ty mẹ tại ngày 31/12/2019 với hơn 317 tỷ đồng, đồng thời Công ty mẹ đang bị cơ quan cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của MCG tại Ngân hàng để thi hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp thuế.

Với tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 35 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán nhận thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động liên tục của MCG.

Theo đó, MCG giải trình rằng, ông Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là cổ đông lớn của Công ty cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Công ty bằng cách cho vay tài chính để Công ty có thể tiếp tục hoạt động.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN