Trong năm 2020, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) đề ra kế cho tổng doanh thu đạt mức 35.448 tỷ đồng, giảm nhẹ so kết quả thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 2.395 tỷ đồng, giảm đến 24%, tổng chỉ tiêu sản xuất điện tại 6 nhà máy đạt 21.600 triệu kWh.
Về phân phối lợi nhuận năm 2019, Công ty sẽ chi gần 703 tỷ đồng, tương đương 3% vốn điều lệ để trả cổ tức. Sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận còn lại chuyển sang cho năm 2020 còn 770 tỷ đồng.
Được biết, trong năm trước PV Power ghi nhận tổng sản lượng điện vượt 4% so với kế hoạch, đạt 22.543 triệu kWh. Doanh thu của toàn Tổng công ty đạt 35.948 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch và lãi trước thuế vượt đến 27%, đạt mức 3.165 tỷ đồng.
Năm 2019, PV Power đã thực hiện thoái toàn bộ số cố phần sở hữu tại CTCP Điện lực Dầu khí Bắc Kạn theo hình thức khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán với giá 10.900 đồng/cp. Giá trị thu hồi đạt 88,63 tỷ đồng.
Hiện tại, PV Power đã có văn bản gửi CTCP EVN Quốc tế và các cổ đông lớn của công ty đề xuất việc chuyển nhượng cổ phần của PV Power tại đơn vị. Tuy nhiên, hiện đã có cổ đông Tập đoàn Cao su Việt Nam có văn bản trả lời về việc không mua lại cổ phần của PV Power tại đơn vị.
|
Kế hoạch 2020 của PV Power. |
Trong tài liệu đại hội, Công ty cũng dự kiến trình cổ đông thông qua việc sử dụng nguồn Lợi nhuận còn lại sau thuế chưa phân phối các năm để mua lại cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng của người lao động nghỉ việc trước thời hạn cam kết.
Tính đến ngày 17/2, PV Power có 9 lao động công tác tại các đơn vị trực thuộc nghỉ việc trước thời hạn cam kết nắm giữ cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu của 9 lao động này là 11.600 cổ phiếu, tương đương 0,00049533 % tổng số cổ phiếu phát hành.
Một vấn đề khác sẽ đưa ra thảo luận tại Đại hội là dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại Khu công nghiệp Ông Kèo, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo chia sẻ từ Công ty, dự án này góp phần giảm thiếu hụt điện năng trong giai đoạn 2021 – 2025 khi nhiều nhà máy trong khu vực miền Nam bị chậm tiến độ so với quy hoạch, thay thế cho các nhà máy bị tạm dừng hoặc không được xây dựng trong giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó còn tăng cường nguồn điện tin cậy cho trung tâm phụ tải phía Nam, giảm tổn thất truyền tải do nhà máy nằm trong khu vực trung tâm phụ tải, giải truyền tải công suất liên miền, qua đó góp phần nâng cao độ ổn định của hệ thống điện miền Nam nói riêng và hệ thống điện toàn quốc nói chung.
Ngoài ra việc đưa vào vận hành NMĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 còn là động lực thúc đẩy việc đầu tư xây dựng kho cảng LNG và hệ thống cung cấp bù khí cho các nhà máy điện khí miền Nam trong giai đoạn sau 2020.