Theo đó, Tổng CT Khí Việt Nam (GAS) dự kiến phát hành tối đa gần 382,8 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ thực hiện 10:2 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 2 cổ phiếu mới).
Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của GAS sẽ tăng từ 19.140 tỷ đồng lên 22.967 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu của GAS tại ngày 31/12/2022 căn cứ theo BCTC riêng năm 2022 được kiểm toán, bao gồm thặng dư vốn cổ phần (210 tỷ đồng) và quỹ đầu tư phát triển (3.617 tỷ đồng).
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9, cổ phiếu GAS dừng ở mức 102.700 đồng/cp, tăng hơn 13% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản bình quân hơn 600.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Trên cơ sở tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 của PVGas, Chứng khoán An Bình (ABS) vừa có điều chỉnh tăng dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của GAS thêm 15% so với báo cáo gần nhất.
Cụ thể, ABS dự phóng doanh thu năm 2023 của PVGas đạt 89.155 tỷ đồng (-11,5% so cùng kỳ). Lãi ròng năm 2023 dự báo đạt 12.795 tỷ đồng (-13,5% so cùng kỳ).
Năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu sẽ phục hồi trở lại với doanh thu thuần dự kiến đạt 97.664 tỷ đồng (+9,5% so cùng kỳ) và lãi ròng dự kiến đạt 14.788 tỷ đồng (+15,6% so cùng kỳ).
ABS cho rằng triển vọng dài hạn của PVGas sẽ vẫn tích cực dựa trên những yếu tố sau:
Nhu cầu khí cho điện dự kiến vẫn cao: theo Quy hoạch điện VIII, điện khí dự kiến được nâng tỷ trọng đóng góp trong hệ thống điện quốc gia từ 9% (2022) lên 26% (2030).
Mảng LNG sẽ trở thành động lực tăng trưởng trung và dài hạn của PVGas. Theo phương án cung cấp khí cho sản xuất điện đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 5,4 tỷ m3 khí/năm do sự suy giảm của các mỏ lâu năm. Do đó, LNG nhập khẩu sẽ là nguồn bổ sung quan trọng trong dài hạn.
Kỳ vọng từ các dự án lớn của ngành được thúc đẩy tiến độ triển khai. PVGas hiện đang và sẽ tham gia vào các dự án lớn như Dự án LNG Thị Vải, Dự án LNG Sơn Mỹ, Dự án Sư tử trắng – GĐ 2B, Dự án Lô B – Ô Môn. Các dự án này dự kiến sẽ giúp cải thiện năng lực cung cấp khí của PVGas thời gian tới.