Sau hơn 1 tháng lùm xùm với việc quảng cáo xe máy điện eSH của Pega so với mẫu SH của Honda Việt Nam, ngày 1/4 vừa qua, hãng xe điện PEGA bất ngờ đổi tên xe eSH sang ESP.
Ngày 4/4, trả lời Tiền phong, ông Đoàn Linh – CEO PEGA cho hay, tên cũ "eSH"nghĩa là "electric Super high class - xe điện siêu đẳng" nay được đổi sang tên mới "ESP" nghĩa là "siêu xe điện PEGA".
Về lý do đổi tên, ông Linh trả lời: “Cơ bản đến nay chúng tôi đã đạt được mục đích của mình rồi nên quyết định đổi tên. Cái tên eSH gây tranh cãi từ góc độ người tiêu dùng nhiều quá".
"Chúng tôi cũng đạt được mục đích, song lượng phản hồi mang tính thiếu xây dựng nhiều quá. Tôi không hiểu sao người ta không nhìn vào chất lượng sản phẩm mà chỉ quan tâm tới chuyện “đánh nhau” (ý nói PEGA nhái mẫu xe SH của Honda -PV). Rõ ràng nhiều người đã đi thử, sản phẩm cụ thể rồi chứ không phải là mẫu mã concept, họ biết chất lượng xe chúng tôi ra sao rồi”.
Khi được hỏi việc đổi tên này đã được công ty xin phép bên nhà chức trách như Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) chưa? Ông Linh cho biết: “Việc này đã có trong kế hoạch từ đầu của chúng tôi. Họ (ý nói Cục Đăng kiểm Việt Nam-PV) cũng bảo chúng tôi nên đổi tên cho đỡ rắc rối. Có vẻ như họ sợ Honda quá. Về luật thì chúng tôi thấy mình chả sai phạm gì nhưng không hiểu sức mạnh của doanh nghiệp lớn ra sao, kỳ lạ là các bên đều nhắc nhở chúng tôi phải đổi tên”.
Trong khi đó, trả lời Tiền phong về việc này, ông Nguyễn Tô An - Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, cục này chỉ quản lý, kiểm tra về mặt an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Còn về kiểu dáng, nhãn hiệu thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu Trí tuệ.
Còn theo ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục Sở hữu Trí tuệ, về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền đăng ký hoặc không đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu cho sản phẩm, miễn là sản phẩm của họ không xâm phạm kiểu dáng, nhãn hiệu của thương hiệu khác.
Trả lời việc đổi tên xe eSH sang ESP phải làm những thủ tục gì, Cục phó Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, đấy là thủ tục trong đăng ký chứ không phải trong sử dụng. Chẳng hạn, họ đăng ký một nhãn hiệu, bây giờ muốn sửa sang một nhãn hiệu khác thì họ phải nộp một cái đơn khác để đăng ký, không phải xin sửa là được.
Cũng theo ông Lâm, hiện cả cục đang “đóng băng”, tự cách ly tại nhà vì có một người ở cục dương tính với COVID-19 nên không thể kiểm tra được hồ sơ, không biết PEGA đã đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ chưa.
Trước đó, ngày 19/2, PEGA vướng vào lùm xùm khi Honda Việt Nam yêu cầu chấm dứt việc quảng cáo sản phẩm xe máy điện eSH với phương pháp so sánh trực tiếp mẫu xe SH do Honda sản xuất.
Pega tổ chức ra mắt chiếc xe máy chạy điện tại Hà Nội vào tháng 1/2020 với tên sự kiện là "Cuộc chiến thần thánh". Theo đó, mẫu xe này có tên gọi là eSH, gần giống với chiếc tay ga SH của Hãng Honda.
PEGA không ngần ngại khi chê xe Honda ồn hơn, khung thép yếu hơn. Tất nhiên, hãng này không quên so sánh xe của họ tiết kiệm hơn và giá bán thấp hơn Honda SH.
Xe PEGA eSH có giá gần 30 triệu đồng chiếc. Xe tay ga Honda SH hiện có giá từ 87-95 triệu đồng/chiếc cho phiên bản 150cc.
Phía Honda Việt Nam cho rằng PEGA đã sử dụng hình ảnh của xe SH tại buổi ra mắt eSH mà không được sự chấp thuận, cho phép của Honda VN. Hành vi của PEGA đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Honda Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu xe SH do Honda Việt Nam sản xuất.
Đồng thời, hành vi quảng cáo xe eSH bằng phương pháp so sánh trực tiếp với xe SH đã vi phạm các quy định của pháp luật.
Honda Việt Nam đề nghị PEGA tháo gỡ toàn bộ hình ảnh, quảng cáo, hình ảnh cũng như lời nói so sánh trực tiếp giữa eSH và SH. Đồng thời yêu cầu PEGA cam kết không tái diễn sử dụng, quảng cáo liên quan đến SH cũng như các mẫu xe khác của Honda Việt Nam trên bất kỳ nội dung quảng cáo nào...