Theo đó, Descon sắp tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 ngày 8/10 với nội dung quan trọng là trình cổ đông kế hoạch trở lại sàn chứng khoán HoSE nhằm tạo dựng kênh huy động vốn dài hạn.
Kế hoạch trở lại sàn đã được Đại hội đồng cổ đông Descon thông qua năm 2018 tuy nhiên do trong năm 2019 gặp nhiều khó khăn đình trệ nên kế hoạch này chưa thực hiện được. Trước mắt, Descon cho biết sẽ tiến hành đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời gian sớm nhất có thể, sau đó niêm yết trên HoSE khi đủ điều kiện.
Tuy nhiên, kế hoạch lên sàn HoSE của Descon có lẽ không thể một sớm một chiều khi mà tình hình kinh doanh những năm gần đây cũng như kế hoạch 2020 đang qua bi đát.
Liên tục thua lỗ nặng nề, kế hoạch 2020 tiếp tục chìm trong lỗ
Nói về tình hình hoạt động thời gian qua, HĐQT Descon cho biết, ngày 31/10/2018, Toà án Nhân dân TPHCM đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty. Sau đó tới ngày 3/12/2018, Descon đã có đơn đề nghị xem xét yêu cầu huỷ bỏ quyết định này. Theo đó, ngày 14/5/2019, Toà án Nhân dân cấp cao tại TPHCM đã huỷ quyết định mở thủ tục phá sản của Descon.
HĐQT Descon thừa nhận, thực tế công ty đã gần như ngừng hoạt động và bị đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ giữa năm 2018 cho đến nay, đồng thời cũng không tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2019.
Do đó, trong báo cáo đợt này, HĐQT Descon cũng trình kết quả kinh doanh năm 2018 - 2019 và phương hướng kinh doanh năm 2020.
Theo đó, năm 2018 Descon vẫn ghi nhận doanh thu khả quan tới 1.476 tỷ đồng, nhưng bù lại cũng lỗ nặng tới 388 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu giảm sút xuống vỏn vẹn gần 53 tỷ đồng và con số lỗ cũng giảm xuống mức 52 tỷ đồng.
Thậm chí năm 2020, Descon đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 15 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 60 tỷ đồng.
Ông Trịnh Thanh Huy sẽ trở lại HĐQT
Nhân sự từ đó cũng giảm mạnh từ mức 160 người năm 2017 xuống còn 102 người năm 2018. Hiện nay Descon cho biết đã vận hành trở lại với khoảng 20 nhân sự.
Nhân sự ban điều hành của Descon cũng có biến động lớn khi ngày 21/7/2020 vừa qua, HĐQT quyết định đổi người đại diện theo pháp luật từ Chủ tịch Châu Anh Tuấn sang Tổng giám đốc Nguyễn Quang Minh.
Đại hội sắp tới của Descon cũng sẽ miễn nhiệm toàn hộ HĐQT và Ban kiểm soát hiện tại gồm ông Châu Anh Tuấn (Chủ tịch), ông Phạm Văn Danh, ông Scott Hutchinson, ông Trần Nguyên Huân và bà Nguyễn Thị Hải Nam.
Đồng thời bầu mới HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 gồm: ông Trịnh Thanh Huy, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, ông Nguyễn Quang Minh, ông Trần Thanh Hải và ông Châu Anh Tuấn.
Trong danh sách này, một cái tên không xa lạ chính là ông Trịnh Thanh Huy. Vị này cùng công ty Bình Thiên An đã nhận chuyển giao quyền lực tại Descon cuối năm 2010 khi nhà sáng lập Nguyễn Xuân Bản rời đi sau 20 năm gắn bó.
Hiện nay, với vốn điều lệ 356 tỷ đồng, ông Trịnh Thanh Huy đang là cổ đông lớn nhất của Descon khi nắm 56%, tiếp đến là Công ty TNHH Mascon 13,76%, quỹ Asian Worldwide Resources Limited hơn 2% và Tổng cong ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam 1,6%.
Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính 2018 và 2019
Chi tiết về kết quả kinh doanh, trong năm 2018, Descon ghi nhận khoản lỗ ròng gần 388 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu từ thi công xây dựng (255 tỷ đồng) thấp sâu dưới giá vốn (579 tỷ đồng), cùng với đó là việc chi phí lãi vay trả cho tổ chức cá nhân khác tăng đột biến.
Đáng nói, tình hình vay nợ của Descon, ngoài các khoản vay từ ngân hàng, Descon cũng vay từ những cá nhân khác mà nổi bật là Châu Anh Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Dung, cũng như từ các doanh nghiệp như CTCP Bất động sản Bình Thiên An, CTCP Beton 6, CTCP Xây dựng Đầu tư HB.
Đặc biệt, kiểm toán cũng từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chínhnăm 2018 của Descon. Kiểm toán cho biết đã không thể giám sát kiểm kê tài sản cố định và hàng tồn kho vào ngày 31/12/2018. Do đó, kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của 16 tỷ đồng tài sản cố định và gần 559 tỷ đồng hàng tồn kho của Descon.
Ngoài ra, tại thời điểm 31/12/2018, kiểm toán cũng chưa nhận được đầy đủ các biên bản xác nhận công nợ phải thu, phải trả cũng như các khoản phải thu khách hàng chưa được đánh giá đúng khả năng thu hồi.
Đồng thời, báo cáo của các công ty liên kết của Descon (bao gồm CTCP Đầu tư Phước Long và CTCP Xây dựng và Kỹ thuật H&B) chưa được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, đồng thời phía kiểm toán viên của TPP cũng chưa được tiếp cận hồ sơ kế toán của các doanh nghiệp này để thực hiện kiểm toán các khoản mục trọng yếu.
Sang năm 2019, doanh thu của Descon lao dốc 96.4% so với 2018 và lỗ ròng gần 52 tỷ đồng. Đồng thời kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra ý kiến với những cơ sở nêu tương tự như tại báo cáo tài chính năm 2018.
Lỗ luỹ kế tới cuối năm 2019 là 371 tỷ đồng đã "ngốn" hết vốn chủ sở hữu của Descon khiến chỉ số này giảm từ gần 490 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 70.4 tỷ đồng năm 2019. Tài sản của Công ty cũng giảm từ 2.862 tỷ đồng xuống còn 1.842 tỷ đồng.