Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2017, Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (viết tắt là Công ty Bình Hà) là công ty “sân sau” của ông Trần Bắc Hà (khi là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIDV) đã vay của ngân hàng hơn 1.377 tỷ đồng để nhập bò với đối tác.
Tuy nhiên để công ty “sân sau” vay được số tiền này, ông Trần Bắc Hà đã nhiều lần dùng quyền lực để ép cấp dưới phải phục tùng.
|
Ông Trần Bắc Hà khi đương chức. |
1. Ông Trần Lục Lang (cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV) khai, với vai trò là Phó Tổng Giám đốc phụ trách rủi ro, Thành viên Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư của ngân hàng, ông đã ký phê duyệt báo cáo thẩm định rủi ro trên phiếu lấy ý kiến của Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư do ông Lê Hải Nam là Giám đốc Phân ban và bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên viên Phân ban này để báo cáo Ban Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà.
Khi đọc báo cáo thẩm định, ông Lang thấy Công ty Bình Hà và Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Bình Hà làm chủ đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng Tổ thẩm định chung và Ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư vẫn thẩm định và đề xuất cho vay với các điều kiện ưu đãi hơn so với chính sách của ngân hàng nên ban đầu, ông Lang phê duyệt 4 tỷ đồng, nhưng ông Lang chỉ nhớ hai nội dung mình phê duyệt: Một là, yêu cầu bổ sung thêm vốn tự có và tài sản đảm bảo của chủ đầu tư hoặc bên thứ 3 phải đảm bảo tối thiểu 30%. Hai là, yêu cầu 3 cổ đông của Công ty Bình Hà chứng minh năng lực tài chính đủ điều kiện đáp ứng điều kiện của ngân hàng, để đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả.
Sau đó, ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư báo cáo lại ông Trần Bắc Hà hai ý kiến đề xuất của ông Lang. Nghe xong, ông Hà nói “Ông Lang phê duyệt thế này thì làm sao cho vay được. Việc đó Đ. phải việc của ông Lang mà thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị”.
Đồng thời ông Hà gọi ông Lang lên phòng và nói “Mày phê duyệt thế này thì làm sao cho vay được. Việc đó Đ. phải việc của mày mà thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Nhiệm vụ của mày là duyệt Tờ trình như Tổ thẩm định đề xuất”.
Sau đó ông Võ Hải Nam đề nghị ông Lang ký lại báo cáo thẩm định rủi ro và bỏ hai điều kiện như ông Lang đã phê trước đó. Do đó, tại báo cáo thẩm định rủi ro Cơ quan điều tra đã thu thập được, chỉ có chữ ký trình Hội đồng quản trị của ông Lang trên báo cáo, để Ban Quản lý rủi ro trình Hội đồng quản trị quyết định theo thẩm quyền về chính sách cấp tín dụng và tài sản đảm bảo.
Theo lời khai của ông Lang, lúc đầu ông chỉ biết Công ty Bình Hà là sản phẩm của liên doanh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức. Phải đến giữa năm 2018, khi ông gặp ông Đoàn Nguyên Đức thì mới biết, Công ty Bình Hà và Dự án chăn nuôi bò tại tỉnh Hà Tĩnh do Công ty Bình Hà làm chủ đầu tư là công ty “sân sau” của ông Trần Bắc Hà. Và ông Hà sử dụng Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú do trai mình là Trần Duy Tùng làm Chủ tịch HĐQT để xin cấp phép đầu tư và thành lập Công ty Bình Hà nhằm thực hiện dự án trên.
“Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia ban đầu, sau đó ông Hà đẩy Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ra khỏi Công ty Bình Hà để toàn quyền quản lý và điều hành hoạt động của Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò”, ông Lang khai.
2. Ông Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV, phụ trách Khách hàng doanh nghiệp) khai, ông ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung của ngân hàng để thực hiện việc thẩm định, đề xuất đối với Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh do Công ty Bình Hà làm chủ đầu tư; ký phê duyệt báo cáo đề xuất tín dụng của Tổ thẩm định chung và ký phê duyệt đồng ý báo cáo đề xuất điều chỉnh tín dụng.
Với vai trò là Thành viên Phan Ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư, ông Sáng đã đồng ý trên phiếu lấy ý kiến của Phân ban về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà thực hiện dự án trên, và ký đồng ý trên phiếu lấy ý kiến của Phân ban này về việc sửa đổi điều kiện cấp tín dụng đối với dự án của Công ty Bình Hà.
Ông Sáng khẳng định, việc ông ký phê duyệt tại báo cáo đề xuất thẩm định chung là do ông Trần Bắc Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết với nội dung: “Dự án có thiếu điều kiện gì thì cấp có thẩm quyền là Hội đồng quản trị sẽ quyết định, cứ ký đúng thực trạng Tổ thẩm định trình là thiếu điều kiện đó”.
Theo lời khai của ông Sáng, lúc đầu ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung và phê duyệt báo cáo đề xuất thẩm định chung, ông chỉ biết Công ty Bình Hà do ông Nguyễn Gia Thiều làm Chủ tịch HĐQT và có 3 cổ đông nhưng không có tên Trần Duy Tùng.
Sau đó một số lần, ông Sáng gặp ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và ông Nguyễn Gia Thiều, đều là đại diện cho Công ty Bình Hà đi thực hiện các thủ tục pháp lý. Ông Sáng cho biết, lúc đó ông nghĩ, Công ty Bình Hà có sự tham gia của ông Đoàn Nguyên Đức.
Nhưng sau này, khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra về dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà thì ông mới biết, Công ty Bình Hà là sản phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú do Trần Duy Tùng làm Chủ tịch HĐQT. Và cũng đến lúc đó, ông Sáng mới biết, Công ty Bình Hà và Dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh là của ông Trần Bắc Hà. Chứ Trần Duy Tùng thực chất không đủ năng lực để lập và đầu tư dự án trên.
Theo kết luận điều tra, thời điểm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm việc với BIDV năm 2018, Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà bắt đầu đổ vỡ. Ông Đoàn Ánh Sáng và ông Phan Đức Tú, khi đó là Tổng Giám đốc BIDV (nay là Chủ tịch HĐQT BIDV) có làm việc với ông Trần Bắc Hà và yêu cầu ông Hà phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và hoàn trả tiền cho ngân hàng.
Lúc đó, ông Hà đề nghị BIDV cho tái cơ cấu lại khoản vay của Công ty Bình Hà thêm vài năm, ân hạn lãi suất và thời hạn trả nợ. Ông Hà cam kết, sẽ lấy doanh thu từ hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia để trả nợ cho BIDV 200 triệu đồng một năm đến khi hết dư nợ.
3. Ông Kiều Đình Hoà (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ phó Tổ thẩm định chung) khai, Dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt tại Hà Tĩnh do ông Trần Bắc Hà khởi xướng và trực tiếp làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị cấp đất, đồng thời chỉ đạo BIDV- Chi nhánh Hà Tĩnh cho mượn phòng làm việc tại trụ sở (số 88 Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh) để nhà đầu tư làm trụ sở thành lập doanh nghiệp và hoạt động. Khách hàng Công ty Bình Hà do Hội sở tiếp nhận ngay từ đầu và cam kết cấp tín dụng.
Sau đó, Hội sở mới giới thiệu khách hàng gặp Chi nhánh Hà Tĩnh để liên hệ làm thủ tục vay vốn, đồng thời hướng dẫn chi nhánh làm tờ trình để Hội sở ban hành quyết định thành lập Tổ thẩm định, trong đó Chi nhánh Hà Tĩnh tham gia 4 thành viên.
Quá trình giải ngân, Chi nhánh Hà Tĩnh phát hiện một số vướng mắc của khách hàng, không đáp ứng các điều kiện theo uỷ nhiệm nên chi nhánh đã ngừng giải ngân. Sau đó, khách hàng làm đơn gửi ông Trần Bắc Hà và ông Hà yêu cầu cách chức Giám đốc Chi nhánh Hà Tĩnh.
Sau khi vụ án xảy ra, ông Trần Lục Lang, ông Đoàn Ánh Sáng, ông Kiều Đình Hoà cùng nhiều cán bộ, lãnh đạo ngân hàng liên quan đã bị khởi tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động của ngân hàng (Điều 206 BLHS năm 2015).