Hai nữ lãnh đạo của DGW và NutiFood cho biết đây chính là cú hích rất lớn nhắc nhở các doanh nghiệp rằng không có gì là an toàn và hơn bao giờ hết lãnh đạo phải làm việc nhiều hơn, làm gương để dẫn dắt đội ngũ.
Trong buổi trao đổi trực tuyến với cộng đồng doanh nhân khách mời của mạng lưới Endeavor Việt Nam sáng 16.4, bà Tô Hồng Trang - phó tổng giám đốc công ty cổ phần Thế Giới Số (DGW), nhà phân phối các sản phẩm công nghệ và bà Trần Thị Lệ, CEO NutiFood đã chia sẻ về cách thức họ dẫn dắt doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng lớn hiện nay.
Một điểm chung thuận lợi của hai doanh nghiệp này trong mùa dịch là thị trường, khách hàng vẫn rất cần các sản phẩm của họ. Với DGW, bà Trang cho biết, các sản phẩm công nghệ cho nhu cầu làm việc tại nhà và học tập trực tuyến tăng lên khi các công ty và nhà trường đóng cửa theo yêu cầu giãn cách xã hội.
Với các sản phẩm sữa và thức uống dinh dưỡng, NutiFood vẫn duy trì hoạt động của tất cả các nhà máy để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn ra thị trường trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng mua tích trữ nhiều hơn với tâm lý phòng ngừa. Tổng doanh thu của các mặt hàng của NutiFood đã tăng 6% trong mùa dịch, theo chia sẻ của bà Lệ.
Từ đó dẫn đến một điểm chung tích cực đối với người lao động là cả hai doanh nghiệp đều không cắt giảm nhân sự trong mùa dịch, dù tạm hoãn các kế hoạch tuyển dụng mới. Riêng NutiFood còn tuyển thêm nhân sự đẩy mạnh mảng tiếp thị trực tuyến nhằm khai thác tốt hơn kênh bán hàng mới.
|
Bà Tô Hồng Trang |
Bà Trang cho biết công ty vẫn trả lương đầy đủ dự kiến đến hết tháng 6, nhưng yêu cầu nhân sự phải đảm bảo kế hoạch kinh doanh. Tuyên bố đầu tiên của ban giám đốc DGW là cắt giảm chi phí, hội họp, sự kiện, công tác… trong khi duy trì ngân sách cho tiếp thị trực tuyến, hoạt động cộng đồng, ủng hộ nhu yếu phẩm cho bác sĩ chống dịch. "Người lãnh đạo công ty phải trao đổi với đội ngũ bằng sự chân thành, chân thật nhất, chứ không phải khéo léo,” theo bà Trang.
Ngay từ khi có những thông tin ban đầu về dịch bệnh, DGW đã lập ban phòng chống rủi ro với cơ cấu tinh gọn gồm phó tổng giám đốc (bà Tô Hồng Trang), một chuyên viên pháp lý để tiếp nhận thông tin dịch bệnh và các hướng dẫn của chính phủ nhanh nhất và chính xác nhất liên quan tới hoạt động công ty, cùng người phụ trách hành chính quản trị. Toàn bộ quy trình tiếp nhận, đề xuất, phê duyệt, triển khai được thực thi gọn nhẹ, nhằm tránh nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang.
“Một kinh nghiệm mà tôi nhận thấy là phải ứng dụng pháp luật nhanh, đúng để đảm bảo công ty vẫn hoạt động được,” bà Trang cho biết, “Trong thời điểm hoang mang, lãnh đạo cần phải phát huy tối đa năng lực đọc và hỏi: đọc chỉ thị hướng dẫn, nhờ người có kiến thức pháp luật cùng đọc, hỏi, không nên ngại gì, nhờ ai được thì nhờ.”
Bà Trang cho biết dịch bệnh đã thực sự khiến bà kích hoạt mạnh mẽ tư duy về sự thay đổi: “Chúng tôi nhận thấy không có vùng nào là an toàn trong dịch bệnh này, đẩy chúng ta ra khỏi chiếc ghế êm ấm mà có khi ngủ quên trên chiến thắng. Những gì chúng ta phải làm cho tương lai thì đây chính là cú hích rất lớn.”
DGW là doanh nghiệp niêm yết, có khoảng 1.000 nhân sự. Đến nay, theo bà Trang, doanh thu quý 1 sẽ vẫn đảm bảo như kế hoạch, nhưng dự báo quý 2 sẽ bị ảnh hưởng. Bà cũng cho biết doanh nghiệp mình chưa có ý định sử dụng các chính sách giãn thuế, giảm thuế của nhà nước.
Trong khi đó, với 13 công ty con, 6.000 nhân viên toàn quốc, 6 nhà máy ở Việt Nam, 2 nhà máy ở nước ngoài, NutiFood đã kích hoạt hệ thống an toàn ngay từ tháng 1.2020, khi có những thông tin ban đầu về dịch bệnh. Bà Lệ cho biết đội ngũ của họ đã hoạt động trực tuyến 24/7, chia sẻ tất cả các thông tin, quy định để mọi thành viên trong ban chỉ đạo triển khai tại tất cả các nhà máy trên toàn quốc.
Dịch bệnh đã khiến cho nhu cầu với các sản phẩm có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng của NutiFood bán chạy hơn so với các sản phẩm mới ra thị trường. Sữa và thức uống dinh dưỡng thành loại hàng được các đại lý, cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng tích trữ nhiều trong mùa dịch.
Bài học lớn nhất với hai nữ lãnh đạo trong mùa dịch này?
Bà Trần Thị Lệ: Khủng hoảng lần này là một bài tập rất tốt cho việc điều hành của tất cả các bộ phận ở NutiFood. Chúng tôi luôn trong trạng thái phòng chống khủng hoảng, phải có quy trình, vận hành thường xuyên liên tục do hoạt động liên quan tới sức khỏe, trẻ em. Nhờ trạng thái chủ động được chuẩn bị từ trước nên chúng tôi đã ứng phó tốt hơn, lãnh đạo cũng phải làm việc nhiều hơn bình thường và làm gương để dẫn dắt đội ngũ 24/7.
Bà Tô Hồng Trang: Đó là luôn phải trong tâm thế ứng phó, tư duy về sự thay đổi, phát triển, thích ứng với cái mới. Chúng tôi là nhà phân phối rất vững trong mảng offline, nhưng với online là mảng phải làm trong tương lai. Không thể ngủ quên trong chiến thắng.