Mới đây, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện mà Forbes bình chọn đều đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Trong đó, Việt Nam vinh dự khi có 2 đại diện góp mặt, một trong hai đại diện đó là bà Trương Thị Lệ Khanh – nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn.
“Nữ hoàng” cá tra và khát vọng chinh phục
Trên thương trường, bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh là “nữ hoàng” cá tra. Bà Khanh sinh năm 1961 ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang).
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP. HCM, bà Trương Thị Lệ Khanh làm việc ở một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Quá trình làm việc ở đây đã giúp bà có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá.
Năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh nghỉ việc nhà nước để thành lập Vĩnh Hoàn, vốn 300 triệu đồng, với 70 công nhân. Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).
|
Bà Trương Thị Lệ Khanh. |
Nhờ hiểu hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Năm 2003 ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước.
“Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”, bà Trương Thị Lệ Khanh nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Trong một bài phỏng vấn về ý nghĩa tên công ty, bà Khanh phân trần: “Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới”.
Năm 2007, Vĩnh Hoàn chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và lên sàn cuối năm đó. Hiện tại, Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch quanh mức 40.000 đồng/cp, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, và là người giàu thứ 17 trên sàn chứng khoán.
Ngày Vĩnh Hoàn ra đời, gặp được thiên thời địa lợi nên đã có một sự khởi đầu rất tốt và kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Nhưng những năm đó, Vĩnh Hoàn không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như thủy sản Nam Việt.
Song đến giờ, Vĩnh Hoàn tự hào vì những gì đã làm được. Từ một doanh nghiệp mới và đơn sơ, Vĩnh Hoàn đã khẳng định được vị thế của mình. Vĩnh Hoàn không dám nói là doanh nghiệp đầu đàn, có lẽ do là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nên có sự năng động và được đánh giá cao về tính tiên phong.
Vĩnh Hoàn “mạnh mẽ” nhưng cũng bị gục ngã vì COVID-19
Thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020 Vĩnh Hoàn báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 49% xuống 367 tỷ đồng do xuất khẩu cá tra giảm mạnh trước tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là tại thị trường Mỹ (giảm 64% trong tháng 6) và Trung Quốc (giảm 46%).
Trong khi đó doanh thu cũng giảm 14% về còn 3.266 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, VHC hoàn thành được 34,6% kế hoạch lợi nhuận dựa trên kịch bản lợi nhuận cao là 1.063 tỷ đồng; hoàn thành được 46% kế hoạch lợi nhuận dựa trên kịch bản thấp là 800 tỷ đồng.
Trong bán niên 2020, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,5% về còn 16,4% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 19,1% về còn 11,3%. Ngoài ra, doanh thu tài chính có dấu hiệu giảm mạnh 43%, tương ứng 71,4 tỷ đồng về chỉ còn 94,5 tỷ đồng.
Xét theo dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh chính chỉ tạo ra được 258,3 tỷ đồng, giảm 60,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại ngày 30/6, Vĩnh Hoàn có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng và tài sản trên 6.600 tỷ đồng. VHC đang thực hiện chiến lược đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị.
Bên cạnh hoạt động truyền thống xuất khẩu cá tra, bà Khanh đang hướng VHC đến tăng doanh số bán mỡ cá và bột cá 20% trong năm nay, tăng 60% doanh số sản phẩm collagen và gelatin nhờ nhà máy mới đi vào hoạt động…
Đối mặt chung với khó khăn của ngành nghề chính, Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp hiếm có trên sàn chứng khoám dùng tiền nhàn rỗi để đi đầu tư chứng khoán.
Điều này thể hiện trong Báo cáo tài chính bán niên 2020 khi xuất hiện khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán gần 194 tỷ đồng, bên cạnh khoản tiền gửi dồi dào hơn 1.530 tỷ đồng. Việc này thể hiện rằng Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khá lớn.
Ở Vĩnh Hoàn, tại thời điểm 30/6, Công ty đang gửi ngân hàng gần 1.392 tỷ đồng và giữ khoản tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn khoảng 143,5 tỷ đồng.
Những cổ phiếu cơ bản tốt mà Vĩnh Hoàn giải ngân bao gồm MWG của Thế giới Di động với số tiền 87 tỷ đồng (trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này là gần 5 tỷ đồng), FPT với 29 tỷ đồng, HPG của Hòa Phát với gần 24 tỷ đồng.
Còn cơ hội phát triển nhờ vào collagen và gelatin
Năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận sự thành công vượt trội của mảng kinh doanh collagen với lợi nhuận sau thuế vượt qua con số kế hoạch 180 tỷ đồng và doanh số tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 550 tỷ đồng.
Với kết quả trên, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cao công suất nhà máy collagen thêm 75%, đạt 3.500 tấn thành phẩm trong năm 2020.
Dự kiến dây chuyền mở rộng sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2020 và giúp doanh số sản phẩm collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn tăng trưởng khoảng 60%, đạt mức 35 triệu đô. Theo đó, lợi nhuận ròng của dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe được kỷ vọng sẽ tăng khoảng 50%.
Được biết, nhà máy sản xuất collagen và gelatin với công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm do Vĩnh Hoàn sở hữu 90% vốn được khởi công xây dựng vào năm 2013. Sau đó hai năm, nhà máy chính thức đi vào hoạt động nhưng chỉ chạy 30% công suất thiết kế.
|
Sản phẩm collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn. |
Khi đó, Vĩnh Hoàn cho biết công ty sẽ kinh doanh collagen trên hai phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm.
Đây là điểm rất mới vì trước đó, chưa có doanh nghiệp trong nước nào chiết xuất được collagen, nhất là từ da cá tra. Nguyên liệu collagen dùng trong sản xuất collagen đều phải nhập khẩu.
Với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60-70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy, Vĩnh Hoàn có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp trong ngành về chi phí đầu vào và khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Với việc nhà máy bột cá và mỡ cá của Vĩnh Phước đã đi vào hoạt động đầu năm 2020, doanh số bán mỡ cá và bột cá được kỳ vọng sẽ tăng 20% so với năm trước.
Bên cạnh đó, VHC nhận định việc mở rộng hình thức bán hàng trực tiếp cho các siêu thị và chuỗi nhà hàng trong năm 2020 có thể mang đến lợi nhuận ngay lập tức và góp phần cải thiện giá bán.