Có lẽ bà Chu Thị Bình là người đã quá quen mặt trên thị trường tài chính vì bà cùng chồng là ông Lê Văn Quang đang sở hữu cơ ngơi đồ sộ được mệnh danh là “vua tôm” Minh Phú.
Bà Bình sinh năm 1964, nguyên quán Hải Phòng, hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, bà Bình theo cậu vào Nam lập nghiệp.
Quãng thời gian này, bà làm công nhân thu mua tôm rồi sau đó trở thành kế toán của xí nghiệp Đông lạnh Cà Mau. Trong quá trình làm việc trong Nam, bà Bình đã gặp được ông Lê Văn Quang và kết duyên vợ chồng.
Với những kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian làm việc, hai vợ chồng bà Bình - ông Quang đã lên kế hoạch gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cộng với số tiền tích lũy, năm 1992, ông Quang và bà Bình đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Minh Phú với số vốn ban đầu là 120 triệu đồng.
|
Bà Chu Thị Bình - bà chủ Minh Phú. |
Đến nay cơ ngơi của 2 vợ chồng là CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú có vốn điều lệ lên đến 1.400 tỷ đồng. Tại đây, bà đang giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc. Ngoài ra, bà Bình còn đang giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thuỷ sản Minh Quý.
Hiện bà Bình đang nắm giữ hơn 35 triệu cổ phiếu của MPC, chiếm khoảng 25,03% vốn điều lệ. Được biết, MPC được niêm yết trở lại trên sàn UPCoM vào tháng 10/2017.
Với hiện đang giao dịch trên thị trường là 22.100 đồng/cổ phiếu, số tài sản trên sàn chứng khoán của bà Bình đạt hơn 774 tỷ đồng. Với con số này, bà đang xếp thứ 6 trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Bà từng là người phụ nữ giàu nhất trên thị trường vào năm 2006, khi đó khối tài sản của bà có giá trị khoảng 1.145 tỷ đồng. Tuy nhiên các năm sau đó, giá trị tài sản của bà giảm dần, xuống 926 tỷ đồng vào năm 2007 và đến năm 2011 chỉ còn 255 tỷ đồng.
Được biết, cả gia đình bà Chu Thị Bình hiện đang sở hữu hơn 82,5 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng khoảng gần 60% vốn điều lệ công ty.
Trong năm 2019, MPC ghi nhận tổng doanh thu 16.998 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 445 tỷ đồng, so với kế hoạch đặt ra thì Công ty chỉ thực hiện được 22% kế hoạch lợi nhuận.
Nổi danh qua vụ án 'bốc hơi' 245 tỷ đồng tại Eximbank
Năm 2018, bà Chu Thị Bình xuất hiện trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng với tư cách là nạn nhân trong vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền tiết kiệm 245 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Cuộc đấu tranh giằng co giữa bà Bình và Eximbank xung quanh thủ tục đền bù, kiện tụng làm xuất hiện nhiều tình tiết pháp lý thú vị và gây được sự quan tâm của dư luận.
Được biết, từ năm 2013 bà Bình có mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tháng 3/2017, sau khi ông Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn, bà được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút gần hết tiền từ lâu. Việc này không thể hiện trên các sổ tiết kiệm gốc nên bà không hay biết. Tổng số tiền bà bị mất là 245 tỷ đồng.
Sau khi sự việc xảy ra bà có nhiều buổi làm việc với Eximbank và được phía Eximbank TP.HCM yêu cầu chờ C44 làm rõ vụ việc. Đồng thời lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẽ tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của bà. Thế nhưng theo bà Bình, dù bà đã kiên nhẫn chờ đợi Eximbank suốt một năm qua, nhưng sau khi có kết luận của C44 ngân hàng vẫn cố tình trì hoãn.
Ngày 19/4/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM.
Theo đó, hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Chu Thị Bình, sửa bản án hình sự sơ thẩm 23/11/2018 về việc xử lý vật chứng.
Tòa tuyên Eximbank có trách nhiệm thanh toán cho Bà bình tổng cộng 115 tỷ đồng, trong đó gồm gần 100 tỷ đồng là phần lãi suất tính theo lãi suất thông thường ngân hàng chưa thanh toán 3 sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ và phần lãi phạt hơn 16 tỷ đồng. Thời hạn thi hành sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.