Nợ tiền thuê đất 1.273 tỷ đồng, Vũng Tàu Paradise bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 1 năm

Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, tính đến tháng 7-2022, Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise (đường Thùy Vân, phường 8, TP Vũng Tàu) còn nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền 1.273 tỷ đồng. 
Cụ thể, số tiền thuê đất phải nộp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII từ ngày 7/6/2018 đến 31/12/2019 gần 330 tỷ đồng. Số tiền thuê đất phải nộp từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022 gần 799,8 tỷ đồng. Tiền chậm nộp tiền thuê đất tính đến ngày 30/6/2022 là gần 143,3 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 26/5/2022, Cục Thuế tỉnh đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise. Lý do cưỡng chế là người nộp thuế có tiền nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp theo quy định. Thời hạn quyết định có hiệu lực là một năm. Số tiền bị cưỡng chế hơn 1.053 tỷ đồng.

Hình thức cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn được đưa ra sau khi trước đó, Cục Thuế tỉnh và Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu-Côn Đảo đã lần lượt ban hành các quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp như phong tỏa tài khoản một tháng; trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise để thu hồi khoản nợ tiền thuê đất lớn như nêu trên.
No tien thue dat 1.273 ty dong, Vung Tau Paradise bi cuong che ngung su dung hoa don 1 nam-Hinh-2
Sân Golf của KDL Vũng Tàu Paradise vẫn đang hoạt động. Ảnh PLO 

Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise là công ty liên doanh giữa phía Việt Nam là công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và công ty Paradise Development and Invesment (Đài Loan), được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư năm 1991, tổng vốn đầu tư là 97,2 triệu USD, thời hạn dự án là 25 năm.

Vốn điều lệ 61,8 triệu USD, trong đó bên Việt Nam góp hơn 15 triệu USD bằng quyền sử dụng 220 ha đất tại đầu trục đường Thùy Vân, Vũng Tàu.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch bao gồm khách sạn 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế ba sao và các công trình dịch vụ kèm theo; khu thể thao dưới nước để bơi, lướt ván, thuyền buồm, nhảy dù, nhào lặn, câu cá… Một công viên giải trí gồm các làng dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà hát ca múa nhạc dân tộc, vườn chơi của trẻ em, vườn dinh mang phong cách châu Âu, sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từng kết luận đến năm 2016-thời điểm dự án hết thời hạn, KDL Vũng Tàu Paradise chưa đầu tư nhiều hạng mục.

Các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào hoạt động kinh doanh chỉ gồm sân golf 27 lỗ (diện tích 130 ha), một số hạng mục của khu công viên giải trí nhưng đến năm 2006 hư hỏng do bão và bỏ không tới nay; khu nhà rông 54 căn với 60 phòng…

Khi dự án hết thời hạn, công ty xin được gia hạn nhưng tỉnh đưa ra hướng xử lý là thu hồi lại đất này để đấu giá tìm nhà đầu tư khác khai thác hiệu quỹ đất.

Từ đó tới nay, công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise vẫn hoạt động trên khu đất, chủ yếu là thu hút khách nhờ sân golf, khách sạn. Việc xử lý các kiến nghị của công ty, thu hồi đất và phương án sử dụng đất sau thu hồi đang được Chính phủ, các bộ ngành trung ương cùng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tập trung xử lý.
Thiên Bảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN