Người tuổi Sửu hay còn gọi là tuổi “Trâu” được biết đến với đức tính đặc trưng là cần cù, chăm chỉ, siêng năng. Người tuổi Sửu luôn nỗ lực hết mình để làm tốt các công việc. Chính vì vậy họ thường được mọi người yêu quý và họ cũng dễ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.
Tính tình của người tuổi Sửu thì hiền lành, vị tha và cởi mở. Họ thường không thích ganh đua, cạnh tranh. Những người này rất trọng chữ tín. Họ thường có phong thái điềm đạm và chỉn chu. Người cầm tinh con Trâu thường xây dựng được hình ảnh rất đẹp trong mắt mọi người xung quanh.
Với những đặc tính tốt cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên, rất nhiều doanh nhân tuổi Sửu đã đạt được thành công lớn trong sự nghiệp của mình. Nhân dịp xuân Tân Sửu 2021, cùng nhìn lại những doanh nhân tuổi sửu nổi tiếng, thành đạt tại Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán, hiện cũng có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tuổi Sửu (sinh năm 1949, 1961, 1973, 1985...) như ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO TNI Corporation, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn,…
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hoà Phát
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 – tuổi Tân Sửu, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long là một trong những doanh nhân tuổi Sửu rất thành đạt và là tỷ phú giàu có hàng đầu, được mệnh danh là “ông vua” ngành thép tại thị trường Việt Nam.
|
Ông Trần Đình Long. |
Bắt đầu từ năm 1992, ông Trần Đình Long đã cùng bạn mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về. Kể từ đây, sự nghiệp kinh doanh của ông Long chính thức bắt đầu.
Năm 2007, Tập đoàn Hòa Phát chính thức ra đời và phát triển mạnh mẽ những năm sau đó. Đến năm 2016, Ông Trần Đình Long nhận định, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn trong năm có thể đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2016, ông Long lần đầu bước lên vị thế là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết.
Trong danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes có sự xuất hiện của ông Trần Đình Long với khối tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 thế giới. Tuy nhiên đến năm 2019, ông Long đã bị loại khỏi danh sách này.
Nguồn tài sản chính của ông Long được Forbes công nhận đến từ số cổ phần của Hòa Phát đang sở hữu. Thời điểm đó ông Long sở hữu trực tiếp hơn 530 triệu cổ phần, tương đương 25,15% vốn Hòa Phát.
Cuối năm 2019, sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ và vừa tiếp nhận siêu dự án thép trị giá 3 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi).
Cuối năm 2020, cổ phiếu HPG tăng phi mã đã đưa ông Trần Đình Long trở thành người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam và là người giàu thứ 3 trên bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, sau Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup và CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air.
Theo số liệu của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát tính đến ngày 23/11 đã tăng lên 1,8 tỷ USD, là người giàu thứ 1.558 trên danh sách của Forbes.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 - tuổi Tân Sửu, là Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, được mệnh danh là “bà hoàng” của ngành thuỷ sản Việt Nam. Bà Khanh hiện cũng là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP.
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP. HCM, bà Trương Thị Lệ Khanh làm việc ở một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Quá trình làm việc ở đây đã giúp bà có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá.
|
Bà Trương Thị Lệ Khanh. |
Năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh nghỉ việc nhà nước để thành lập Vĩnh Hoàn, vốn 300 triệu đồng, với 70 công nhân. Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Nhờ hiểu hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Năm 2003 ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước.
“Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”, bà Trương Thị Lệ Khanh nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Khởi đầu từ phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Hiện tại, Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch hiện tại, khoảng loanh quanh mức 40.000 đồng/cp, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn khoảng 3.000 tỷ đồng
Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO TNI Corporation
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh năm 1973 – tuổi Quý Sửu là một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu của nước ta. Bà đã cùng chồng gây dựng nên thương hiệu Cafe Trung Nguyên, là đồng sáng lập và sở hữu của Tập đoàn Trung Nguyên. Bên cạnh đó bà Thảo còn là Tổng giám đốc Công ty TNHH TNI Corporation.
Ngày 16/6/1996, bà Thảo cùng chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập Hợp tác xã cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Qua quá trình khởi nghiệp gian nan, những năm sau đó, thương hiệu cà phê Trung Nguyên phát triển không ngừng.
|
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Năm 2006, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, trực tiếp điều hành toàn bộ hệ thống Trung Nguyên.
Giai đoạn 2006 – 2014 Tập đoàn Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ, năm 2014, doanh thu của Trung Nguyên đạt 4.177 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.193 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 4/2015 biến cố ập đến, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ bị bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực tại Trung Nguyên.
Sau khi bị tước quyền điều hành tại Trung Nguyên và sau nhiều lần không thể tìm gặp và đối thoại trực tiếp với chồng, tháng 10/2015 bà Lê Hoàng Diệp Thảo đệ đơn ly hôn lên tòa án.
Trong quá trình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc ly hôn, bà Thảo mở công ty riêng về cà phê và tiếp tục tranh chấp quyền quản lý Trung Nguyên từ năm 2015 đến năm 2019.
Sau 4 năm sóng gió với tiến trình tố tụng kéo dài “dai dẳng”, cuối năm 2019 cuộc ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã khép lại khi Tòa Phúc thẩm tuyên bố chấp thuận.
Sau ly hôn, bà Thảo có trong tay khối tài sản “khổng lồ” gồm bất động sản, tiền, vàng, ngoại tệ… có tổng giá trị khoảng 3.749 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã vượt qua nhiều doanh nhân lớn trên thị trường chứng khoán và chỉ đứng sau 3 nữ doanh nhân trong “top nữ” giàu nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, đến ngày 20/7/2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có đơn kiến nghị về quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Công ty TNHH MTV TNI đang do bà Thảo điều hành.
Hiện việc tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa có hồi kết. Các cơ quan vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan vấn đề này.