Tập đoàn Tân Hiệp Phát vốn là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giải khát và thức uống đóng chai. Được thành lập từ năm 1994, tiền thân là nhà máy bia Bến Thành, doanh nghiệp này có hoài bão sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.
Dù thực tế nổi tiếng với thương hiệu nước đóng chai Dr. Thanh nhưng không phủ nhận từ năm 2018 đến nay, Tân Hiệp Phát dần lớn mạnh về quy mô cũng như quỹ đất sở hữu lớn trong lĩnh vực bất động sản. Không ngoa khi nói rằng doanh nghiệp này còn vượt mặt các ông lớn bất động sản lâu năm trên thị trường để trúng giá nhiều khu đất vàng.
Lập công ty bất động sản nhanh đến chóng mặt
Ông Trần Quí Thanh từng chia sẻ với báo giới rằng nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực bất động sản theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ "nhảy" sang.
Mở màn là vào đầu năm 2018, gia đình ông Trần Quí Thanh đã thành lập công ty mua bán nợ VNAMC. Hai cổ đông lớn nhất là bà Trần Ngọc Bích và bà Trần Uyên Phương, hai con gái của Chủ tịch Tân Hiệp Phát.
Tháng 6/2018, ông Trần Quí Thanh xuất hiện trong vai trò thành viên ban chấp hành câu lạc bộ bất động sản TP.HCM, chia sẻ ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các hội viên khi họ thiếu vốn cho các dự án.
Tiếp thêm sức mạnh để phục vụ cho tham vọng trong lĩnh vực mới, chỉ từ ngày 18-24/4/2019, bà Trần Uyên Phương đã thành lập liên tiếp 10 công ty với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.
|
Ba cha con nhà Dr. Thanh. |
Đến ngày 14/5/2019, thành lập thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.
Như vậy chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng.
Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập thời gian trên, bắt đầu từ đầu năm 2018, gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác.
Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng),...
Chiến lược gom đất
Phong cách của Tân Hiệp Phát khi tiến vào lĩnh vực bất động sản cũng có nhiều khác biệt khi nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất.
Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô đất vàng tại Đà Nẵng, TP.HCM và Vũng Tàu. Với bước đi này, con gái thứ 2 của ông Thanh đã sở hữu được 2 khu đất vàng.
Vào giữa tháng 3 năm nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định công nhận bà Trần Ngọc Bích là người trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất hơn 20.000 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Kế hoạch đấu giá có từ cuối năm 2017 nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, đầu năm 2020 mới thực hiện.
Bà Ngọc Bích đã chi 170 tỷ đồng để được sử dụng khu đất này trong 50 năm. Khu đất được đấu nối với hai tuyến đường là tỉnh lộ 44 và đường giao thông phía tây để sử dụng thương mại và dịch vụ.
Một tuần trước khi nhận quyết định trên, bà Ngọc Bích được công nhận trúng giá một khu đất khác gần 10.000 m2 tại huyện Côn Đảo với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Đây cũng là khu đất triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng, quy hoạch xây dựng công trình cao 3 tầng.
Vào cuối tháng 5/2019, ông Trần Quí Thanh vượt qua 4 công ty với 9 vòng bỏ phiếu kín để sở hữu khu đất 18.165 m2 ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu. Số tiền Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát chi ra là 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng.
Khu đất có hiện trạng trống và không phải bồi thường giải phóng mặt bằng, được UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh quản lý và khai thác từ năm 2005 theo quy hoạch phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế xã hội.
Như vậy, từ giữa năm 2019 đến nay nhà Tân Hiệp Phát đã nắm trong tay tổng cộng 3 khu đất với quỹ đất gần 48.000 m2 (4,8 ha) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng số tiền bỏ ra là 644 tỷ đồng.
Dù đã sở hữu quỹ đất cực lớn, nhưng với tình trạng khó khăn chung của thị trường bất động sản, cho tới thời điểm hiện tại, Tân Hiệp Phát chưa chính thức động thổ bất cứ dự án bất động sản dân dụng nào.