Nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng. Trong đó, một số DN phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ thứ 7, chuyển sang chế độ bảo dưỡng, bảo trì... Thậm chí đã có DN phải cho công nhân nghỉ việc.
|
Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai. Ảnh LÊ LÂM |
Theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, trong quý I, số lượng lao động bị mất việc vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt, trong tháng 3, trên địa bàn tỉnh có 3 DN phải cắt giảm hơn 2.000 lao động, nguyên nhân là do bị giảm đơn hàng.
Cụ thể là Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) giảm 1.000 lao động; Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (H.Trảng Bom) giảm 227 và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina (TP.Biên Hòa) cắt giảm 795 lao động.
|
Doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ không hưởng lương. |
Giám đốc Công ty TNHH Triệu Hoàng Anh (TP. Biên Hòa) cho hay, công ty chuyên lĩnh vực cơ khí, chế tạo và lắp đặt hệ thống thang máy dân dụng. Những năm trước đơn hàng dồi dào nhưng từ đầu năm đến nay thiếu trầm trọng.
Hiện nay, người lao động chủ yếu đi chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng, bảo trì các sản phẩm mà công ty đã cung cấp. Khác với thời điểm này năm ngoái việc làm liên tục, phải tăng ca sản xuất.
Theo thống kê, sản xuất DN bị co hẹp tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quý I/2023, GRDP (tổng sản phẩm) của Đồng Nai chỉ tăng trưởng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Dù các chỉ số vẫn tăng, song mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng rất thấp. Ngành công nghiệp - xây dựng đang chiếm cơ cấu trên 60% GRDP nên ngành này tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng chung.
Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đã có 127 DN giải thể và 148 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 619 DN tạm ngừng kinh doanh. Như vậy có tới 894 DN rút lui khỏi thị trường, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ có 691 DN.