Nhà nước cần bảo toàn vốn tại Vietnam Airlines, còn Vietjet và Bamboo cần làm rõ vốn từ đâu?

Với đề xuất hỗ trợ vay vốn của các hãng hàng không tư nhân, cần phải làm rõ là vốn của các hãng hàng không này ở đâu và hỗ trợ theo phương thức nào.
Sau khi Vietnam Airlines (HVN) được hỗ trợ vay vốn, hiện nay các hãng hàng không tư nhân như Vietjet, Bamboo cũng kiến nghị sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải nói chung, không riêng ngành hàng không.
Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa ra một số quyết sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải thông qua việc giảm phí mặt đất, giảm thuế nhiên liệu bay… và việc này đối xử bình đẳng không phân biệt hãng hàng không nào.
Còn Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia có vốn của Nhà nước, do đó Nhà nước cần bảo toàn nguồn vốn này sau khi hãng bị tác động nặng nề do đại dịch.
Còn với đề xuất của các hãng hàng không tư nhân, cần phải làm rõ là vốn của các hãng hàng không này ở đâu và hỗ trợ theo phương thức nào.
Nha nuoc can bao toan von tai Vietnam Airlines, con Vietjet va Bamboo can lam ro von tu dau?
 
Trước đó, tại hội thảo Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam ngày 26/11, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air (VJC) cho biết hãng này đã lỗ trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích luỹ trong nhiều năm, giảm lương tới 50 - 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 - 10 triệu đồng với người lao động. 
"Các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 - 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu. Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng thương mại cho vay.
Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm. Sau đó, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi từ 2023 - 2025", bà Phương nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nửa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng. 
Đại diện Bamboo Airways cho hay, quy mô hãng bay này nhỏ bằng 1/3 - 1/4 so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do COVID-19 cũng không kém. Hãng này cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.
Các hãng hàng không đều chung kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ bay đến hết năm 2021; giảm 70% thuế môi trường. Ngoài ra, mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở một số nước đã kiểm dịch tốt, không cấp phép bay cho các hãng hàng không cho tới năm 2024 (chỉ cấp phép hãng bay khi tự chủ nguồn lực, có kế hoạch bay và tiềm lực tài chính rõ ràng).
Các hãng cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên...
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN