Ngoài USC Interco, có 5 doanh nghiệp vốn ‘khủng’ trên 100.000 tỷ đồng tại Việt Nam?

Trước USC Interco, có đến 5 doanh nghiệp tại Việt Nam có số vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng.
 

Hôm 26/2, cả thị trường bàng hoàng khi có doanh nghiệp bất động sản - USC Interco đăng ký thành lập chỉ trong tháng 1/2020 nhưng với số vốn đến tận 144.000 tỷ đồng, gấp 4 lần số vốn điều lệ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trước khi xuất hiện cái tên USC Interco, Việt Nam đã có 5 doanh nghiệp đều có vốn trên 100.000 tỷ đồng.

Trong đó đã có 3 tập đoàn Nhà nước gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel.

Hai cái tên còn lại gồm Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh - FHS và Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty mẹ sở hữu hơn 53% vốn của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc quyền chi phối của ThaiBev.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN (281.500 tỷ đồng)

PVN tiền thân là Công ty Dầu khí Việt Nam, được Tổng cục dầu khí Việt Nam thành lập từ năm 1977 để thực hiện nhiệm vụ hợp tác với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Kết thúc năm 2019, PVN đã về đích trước kế hoạch năm từ 2 đến 60 ngày tất cả các chỉ tiêu, nổi bật là: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 520.000 tỷ đồng, vượt 4,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2018.

Ngoai USC Interco, co 5 doanh nghiep von ‘khung’ tren 100.000 ty dong tai Viet Nam?
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN. 

Tổng doanh thu toàn PVN đạt 736.000 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch, tăng 17% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 44.000 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch...

Năm 2020, PVN sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tại các dự án nhiệt điện than của PVN, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Hiện PVN có vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng, đứng đầu trong danh sách những doanh nghiệp có vốn “khủng” tại Việt Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (194.100 tỷ đồng)

Xếp thứ hai trong danh sách vốn điều lệ “khủng” là một tập đoàn có vai trò không kém phần quan trọng so với PVN, là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vốn điều lệ của EVN hiện tại là 194.100 tỷ đồng.

EVN là nhà sản xuất điện chính của Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 tổng công suất phát điện của cả nước, thông qua các thành viên như 5 tổng công ty điện lực, 3 tổng công ty phát điện, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La, thuỷ điện Lai Châu...

Ngoai USC Interco, co 5 doanh nghiep von ‘khung’ tren 100.000 ty dong tai Viet Nam?-Hinh-2
 Tập đoàn Điện lực EVN.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của EVN, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết tính đến cuối năm 2019, tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2019 ước đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng, tăng 16%.

Lợi nhuận Công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỷ đồng, tất cả các tổng công ty đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Đây là mức tăng cao hơn so với con số vừa được EVN công bố lãi hơn 700 tỷ đồng kinh doanh điện năm 2018. 

Năm 2020, Tổng giám đốc EVN cho biết sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động các nguồn điện, hoàn thành các dự án lưới điện, với nhiệm vụ nặng nề cả về tài chính và cung ứng điện.

Theo đó, mục tiêu điện sản xuất và mua: 251,62 tỷ kWh tăng 8,9% so với năm 2019; điện thương phẩm: 227,99 tỷ kWh tăng 8,9% so với năm 2018.

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh – FHS (183.300 tỷ đồng)

Nhằm triển khai dự án khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, năm 2008, Tập đoàn Đài Loan Formosa Plastic Group đã thành lập Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh - FHS.

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 1 là 10,55 tỷ USD, gồm 3 hạng mục: Nhà máy gang thép công suất 7,5 triệu tấn/ năm, có thể nâng lên 22,5 triệu tấn/ năm; Cụm cảng Sơn Dương với 11 bến tàu, có thể nâng lên 32 bến tàu và Tổ hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa với tổng công suất 650 MW, gồm 5 tổ máy phát điện.

Ngoai USC Interco, co 5 doanh nghiep von ‘khung’ tren 100.000 ty dong tai Viet Nam?-Hinh-3
 Formosa Hà Tĩnh.

Sau nhiều lần tăng vốn để thực hiện dự án, vốn điều lệ của FHS hiện tại là 183.300 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2019, FHS chỉ tiêu thụ được 5,8 triệu tấn thép, thực hiện 89% kế hoạch đề ra, doanh thu đạt 3,05 tỷ USD.

Tuy nhiên, FHS vẫn là doanh nghiệp đóng góp nguồn ngân sách lớn với 7.830 tỷ đồng cho Hà Tĩnh năm 2019. Trong đó, thuế nội địa 1.103 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 6.727 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel (141.000 tỷ đồng)

Viettel tiền thân là Tổng công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco) được thành lập từ năm 1989, trước khi đổi tên thành Công ty Viễn thông Quân đội trực thuộc Binh chủng Thông tin. Cuối năm 2004, doanh nghiệp này chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Đầu năm 2018, Viettel được chuyển đổi sang mô hình tập đoàn, với tên gọi chính thức là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Vốn điều lệ của Viettel hiện đạt xấp xỉ 141.000 tỷ đồng.

Ngoai USC Interco, co 5 doanh nghiep von ‘khung’ tren 100.000 ty dong tai Viet Nam?-Hinh-4
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019, ban lãnh đạo Viettel cho biết đã hoàn thành 100% kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019, với tổng doanh thu hơn 251.000 tỷ đồng, chiếm 50% doanh thu toàn ngành viễn thông.

Lợi nhuận đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5%. Nộp ngân sách hơn 38.000 tỷ đổng, tăng trưởng 2,7%.

Với tốc độ tăng trưởng 7,5%, Viettel tiếp tục dẫn đầu, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp liền sau Viettel trong lĩnh vực viễn thông. Mức tăng này cũng cao hơn tốc độ trung bình của toàn xã hội khi tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,02% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Công ty TNHH Vietnam Beverage (111.890 tỷ đồng)

Ngày 28/12/2018, Sở Kế hoạch đầu tư TP.Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Vietnam Beverage - doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 53,59% cổ phần của Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào tháng 12/2017.

Ngoai USC Interco, co 5 doanh nghiep von ‘khung’ tren 100.000 ty dong tai Viet Nam?-Hinh-5
Các sản phẩm của  Vietnam Beverage.

Trước khi thay đổi, Vietnam Beverage có vốn điều lệ 681,66 tỷ đồng, do công ty CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Trong đợt tăng vốn lần này, Beerco Limited - công ty con của ThaiBev - đã góp thêm 111.209 tỷ đồng vào Vietnam Beverage, qua đó tăng vốn của doanh nghiệp này lên 111.890 tỷ đồng.

Sau đợt tăng vốn, Vietnam Beverage đã chính thức từ doanh nghiệp nội trở thành doanh nghiệp nước ngoài khi tỷ lệ sở hữu trực tiếp của Beerco là 99,39%.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN