Ngân hàng nào là chủ nợ hơn 36.680 tỷ đồng của Hoà Phát?

Tăng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD vào dự án ở Dung Quất sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho Hoà Phát như áp lực vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và khiến giá cổ phiếu HPG giảm hơn 18% trong vòng 3 tháng qua.

Vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay năm 2019 tăng lên gần cả ngàn tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2019.

Theo đó, tại thời điểm cuối năm 2018, tổng nguồn vốn khủng 101.776 tỷ đồng (tăng thêm tới 23.553 tỷ đồng), tuy nhiên nợ phải trả của Hoà Phát chiếm chủ yếu với 53.989 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu 47.786 tỷ đồng. Trong đó vay nợ ngắn và dài hạn “ngốn” tới 36.680 tỷ đồng.

Cụ thể, Hoà Phát đã đi vay ngắn hạn 16.837 tỷ đồng, tăng thêm 5.343 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đồng thời vay dài hạn cũng tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng để lên tới con số 19.842 tỷ đồng.

Do đó, tỷ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Hoà Phát trong năm 2019 tăng lên mức khá cao tới 76,7%, trong khi năm 2018 chỉ mới 59,8%. Kéo theo đó, khả năng thanh toán lãi vay của Hoà Phát cũng giảm từ 19,65% của năm 2018 xuống còn 10,7%.

Bởi thế, trong năm qua, Hoà Phát đã phải gánh tới 936 tỷ đồng chi phí đi vay, tăng 73% so với đầu kỳ. Trong khi đó, lãi tiền gửi chỉ thu về gần 277 tỷ đồng.

Các khoản vay ngắn hạn của Hoà Phát bằng VNĐ và USD được bảo đảm bằng một số khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình và vô hình, xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án, chi phí trả trước dài hạn, quyền phải thu và một số cổ phiếu của HPG thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT. 

Trong đó, các khoản vay bằng VNĐ chịu lãi suất từ 2,8% đến 6,2%/năm. Còn các khoản vay bằng USD có lãi suất từ 3,19% đến 5,5%/năm.

Còn vay dài hạn, Hoà Phát chủ yếu vay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, CTG) với 8.732 tỷ đồng; 7.807 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), khoản vay này tăng gấp đôi so với đầu kỳ. 

Cũng ở mức vay ngàn tỷ, Ngân hàng BNP Parisbas cho Hoà Phát vay bằng USD với giá trị tương ứng 4.640 tỷ đồng. Được biết, khoản vay này có hạn mức 200 triệu USD, do BNP Paribas chi nhánh Singapore làm đại diện cho các bên cho vay.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay bao gồm tài khoản thanh toán nợ mở tại ngân hàng quản lý tài khoản là BNP Paribas chi nhánh Hà Nội và bảo lãnh của hai công ty trong Tập đoàn.

Trong khi đó, Hoà Phát vay của Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam hai khoản đều bằng VNĐ với tổng giá trị 874 tỷ đồng; vay gần 170 tỷ của Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam. Đặc biệt, Hoà Phát còn vay từ cá nhân số tiền 257 tỷ đồng nhưng không rõ là ai...

Các khoản vay dài hạn bằng VNĐ chịu lãi suất từ 2,6% đến 11%/năm; còn bằng USD chịu lãi suất libor cộng 2,05%/năm.

Các khoản vay dài hạn này được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình và vô hình, xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án.

Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2019, hàng tồn kho của Hoà Phát tăng thêm gần 5.300 tỷ đồng lên mức 19.480 tỷ đồng.

Ngan hang nao la chu no hon 36.680 ty dong cua Hoa Phat?
 Tập đoàn Hoà Phát

Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất sẽ “ngốn” hết bao nhiêu tiền?

Về xây dựng cơ bản dở dang, Hoà Phát ghi nhận 36.685 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nằm tại dự án Khu liên hợp Gang thép tại Dung Quất với 33.098 tỷ đồng.

Sẽ chưa dừng lại ở con số này, bởi vừa qua, Hoà Phát đã xin ý kiến cổ đông nâng công suất của dự án này lên gấp đôi, tức bổ sung thêm 5 triệu tấn thép/năm. Khi dự án Dung Quất mở rộng chính thức đi vào hoạt động, Hoà Phát có thể sản xuất 13,9 triệu tấn thép mỗi năm, tăng 184,9% so với công suất cuối năm 2019. Dự án Dung Quất mở rộng có thể sẽ khởi công trong năm 2023.

Kế hoạch mở rộng dự án tại Dung Quất không phải là thông tin mới, tuy nhiên điều khiến thị trường bất ngờ là quy mô đầu tư 2,1 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc dự án mở rộng cần nguồn vốn khoảng 50.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2023-2029, nâng tổng mức đầu tư của Hòa Phát tại Dung Quất lên con số khủng 102.000 tỷ đồng, tăng tới 96%. 

Hoà Phát dự kiến cấu trúc vốn cho dự án mở rộng này gồm 60% vốn tự có (vốn chủ sở hữu) và 40% từ nguồn vay. 

Với nguồn vốn khủng như vậy có gây áp lực về vốn cho Hoà Phát trong một vài năm tới hay không?

Theo tính toán của Chứng khoán VNDirect, Hoà Phát có thể tích lũy được 22.756 tỷ đồng dòng tiền tự do (trước khi chi trả cổ tức) đến cuối năm 2023, tương đương với 73% tổng nhu cầu vốn tự có. Nếu nguồn vốn vay được giải ngân theo tiến độ 6 năm của dự án mở rộng, VNDirect ước tính quy mô nợ/vốn chủ sở hữu của Hoà Phát giai đoạn 2023-2025 sẽ chỉ ở mức 9-16%, nằm trong ngưỡng an toàn. 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, kế hoạch này đặt ra nhiều vấn đề về áp lực vốn đầu tư, công nghệ, thị trường, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và khiến giá cổ phiếu HPG giảm hơn 18% trong vòng 3 tháng qua, hiện còn 18.600 đồng chốt phiên 20/3. 

Còn ở khía cạnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự phóng trong năm 2020, doanh thu của Hoà Phát có thể đạt mức 80,528 tỷ đồng, tăng 26%.

Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế sẽ giảm gần 12% xuống còn mức 6,696 tỷ đồng do chi phí khấu hao của tổ hợp Dung Quất bắt đầu được ghi nhận khi bắt đầu vận hành sản xuất. 

Con số lợi nhuận của Hoà Phát càng đáng lo hơn khi đặt trong bối cảnh năm 2019 đã suy giảm hơn 12% so với năm 2018 dù doanh thu vẫn tăng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN