Ngày 24/2, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đã gửi văn bản đến chánh án TAND TP HCM đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến việc Cục Thuế TP.HCM truy thu gần 400 tỷ đồng của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thu Duc House, TDH).
Văn bản của Tổng cục Thuế cho biết theo kết quả xác minh tại Hong Kong, 3 lô hàng của Thu Duc House không được nhập khẩu vào Hong Kong; còn xác minh tại 2 công ty nhập khẩu ở Campuchia thì không có dữ liệu nhập khẩu.
Kết quả phá án, Cục Cảnh sát C03 đã bắt 20 đối tượng, thu giữ 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước.
Từ đó, Cục Thuế TP.HCM khẳng định quyết định phạt và truy thu thuế mà nơi này đã ban hành trước đó với Thu Duc House là đúng pháp luật, cần được thực hiện ngay.
Và các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân TP.HCM có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
"Cục Thuế TP.HCM đề nghị chánh án TAND TP.HCM hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên nhằm đảm bảo thu hồi tiền thuế vào ngân sách nhà nước kịp thời.
Trường hợp tòa không hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi tiền thuế vào ngân sách nhà nước thì trách nhiệm thuộc về tòa án", Cục Thuế TP HCM khẳng định.
Sau khi nhận công văn của Cục thuế TP HCM, TAND TP HCM đã ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến vụ việc Thuduc House bị truy thu 400 tỷ đồng.
Như vậy, Thuduc House buộc phải nộp lại 400 tỷ đồng tiền vi phạm về thuế theo quyết định của Cục thuế TP.HCM.
|
Thuduc House sẽ ra sao nếu không nộp đủ thuế? |
Thuduc House có thể gặp khó khi phải nộp đủ 400 tỷ đồng
Tương quan trong quy mô của Công ty, mức phạt 400 tỷ đồng được xem sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh tài chính. Bởi lẽ số tiền phải nộp phạt tương đương với lợi nhuận 3 năm của Công ty (lợi nhuận gộp ba năm 2017-2019 của doanh nghiệp 401,9 tỷ đồng).
Hơn nữa, Thuduc House vừa đã báo lỗ 30 tỷ đồng năm 2020, đây là con số lỗ đầu tiên trong 16 năm qua. Điều này kéo giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2020 còn 192 tỷ đồng.
Cũng tại ngày này, Thuduc House đang sở hữu 245 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 4% tổng tài sản. Trong khi đó, hàng tồn kho, các khoản phải thu, tài sản dở dang chiếm tới 68,8% tổng tài sản.
Theo đó, để huy động được gần 400 tỷ đồng nộp phạt trong thời gian ngắn là điều không đơn giản đối với Thuduc House khi sở hữu quỹ tiền mặt hạn chế, tài sản nằm ở các dự án, cũng như khoản phải thu của khách hàng.
Hiện, số lượng dự án đang triển khai của doanh nghiệp cũng khá khiêm tốn như dự án khu phức hợp Centum Wealth giá trị 732,5 tỷ đồng; dự án Aster Garden Towers 217,2 tỷ đồng; Khu đô thị Dịch vụ Thương mại Long Hội trị giá 166,8 tỷ đồng; dự án khu dân cư Cần Giờ 820,2 tỷ đồng…
Có thể thấy nhiều động thái gần đây của công ty bất động sản này là “bán nhanh bán để” công ty con, công ty liên kết dù ghi nhận lỗ. Theo đó, HĐQT TDH vừa thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại công ty con - Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức, tương đương 70% vốn.
Doanh nghiệp dự kiến dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian 3 tháng tới. Giá trị thương vụ này không được công bố và doanh nghiệp cũng không ghi nhận giá trị đầu tư.
Theo BCTC quý 3/2020, Thủ Đức House đang sở hữu 70% vốn điều lệ tại Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức. Doanh nghiệp được thành lập ngày 22/12/2003, trụ sở tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới và mua bán hàng hóa.
Trước đó, TDH từng chuyển nhượng hàng loạt công ty liên kết như chuyển nhượng toàn bộ gần 5,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 20,68% vốn điều lệ tại Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng trị, giá chuyển nhượng tối thiểu là 19.000 đồng/cp. Ước tính TDH sẽ thu về tối thiểu 102 tỷ đồng từ việc thoái vốn.
Theo Báo cáo, TDH đang ghi nhận khoản đầu tư vào Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị với giá trị là 103,5 tỷ đồng vào, tương ứng 19.328 đồng/cp. Như vậy, nếu thoái vốn ở mức giá tối thiểu là 19.000 đồng/cp thì TDH ghi nhận lỗ cho khoản đầu tư này.
Rõ ràng, ngay cả khi phải thực hiện giải pháp bán rẻ các dự án để thực hiện quyết định của Cục thuế TP.HCM thì cũng khó có thể được xử lý trong một sớm, một chiều.
Theo tìm hiểu, khi có quyết định truy thu thuế thì các doanh nghiệp buộc phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước trong thời gian 90 ngày. Nếu qua thời gian này vẫn chưa thể thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định pháp luật.
Hiện tại, đối với doanh nghiệp bất động sản có số nợ lớn, Cục Thuế TP HCM đang áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hình thức thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, nhiều trường hợp đề nghị rút giấy phép kinh doanh.
Đặc biệt đối với hành vi trốn thuế, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc bị khởi tố cũng như kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp.