Tuy nhiên, sự đồng thuận đáng kinh ngạc hiện nay vẫn có thể bị chệch hướng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là địa - chính trị.
Các kịch bản cho năm 2024
Vào khoảng thời gian này, 1 năm trước, khoảng 85% các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường, bao gồm cả tôi, dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ bị suy thoái. Lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao cho thấy chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn trước; thị trường chứng khoán sẽ giảm và lợi suất trái phiếu sẽ vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, điều ngược lại chủ yếu đã xảy ra. Lạm phát giảm nhiều hơn dự kiến, tránh được suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán tăng và lãi suất trái phiếu giảm sau khi tăng cao.
Do đó, giới phân tích phải bắt đầu các dự báo về năm 2024 một cách khiêm tốn. Dù nhiệm vụ cơ bản là như nhau: bắt đầu với kịch bản cơ sở, kịch bản thuận lợi và kịch bản xấu, sau đó ấn định xác suất thay đổi theo thời gian cho từng kịch bản.
Kịch bản cơ sở của nhiều nhà kinh tế và chuyên gia phân tích, dù không phải tất cả, là một cuộc “hạ cánh mềm”: các nền kinh tế phát triển - bắt đầu từ Hoa Kỳ - tránh được suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng dưới mức tiềm năng và lạm phát tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu 2% vào năm 2025.
Khi đó, các ngân hàng trung ương có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách trong quý 1 hoặc quý 2 năm nay. Kịch bản này sẽ là kịch bản tốt nhất cho thị trường chứng khoán và trái phiếu, vốn đã bắt đầu phục hồi với kỳ vọng về nó.
Nguồn: Business Review at Berkeley
Kịch bản “không hạ cánh”: tăng trưởng - ít nhất là ở Mỹ - vẫn trên mức tiềm năng, lạm phát giảm ít hơn so với dự đoán của thị trường và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra muộn hơn và với tốc độ chậm hơn so với những gì Fed, các ngân hàng trung ương khác và thị trường hiện đang mong đợi.
Kịch bản xấu là một cuộc “hạ cánh cứng” với một cuộc suy thoái nhỏ sẽ đẩy lạm phát xuống thấp hơn, nhanh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương. Lãi suất chính sách thấp hơn sẽ đến sớm hơn; thay vì 3 đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản mà Fed đã báo hiệu, có thể có 6 đợt cắt giảm.
Tất nhiên, cũng có thể xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn, dẫn đến khủng hoảng tín dụng và nợ nần. Nhưng kịch bản này có vẻ khả thi vào năm ngoái - do giá hàng hóa tăng vọt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự phá sản của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu - thì hiện nay, kịch bản này dường như khó xảy ra do tổng cầu yếu.
Nó sẽ chỉ trở thành mối lo ngại nếu có một cú sốc lạm phát mới xảy ra. Ví dụ, giá năng lượng tăng vọt do xung đột ở dải Gaza, đặc biệt nếu có leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu từ các nước vùng Vịnh.
Các cú sốc địa - chính trị khác, như căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể sẽ ít gây đình trệ (tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn) hơn so với suy thoái (tăng trưởng thấp hơn và lạm phát thấp hơn), trừ khi thương mại bị gián đoạn trên diện rộng hoặc hoạt động sản xuất và xuất khẩu chip của Đài Loan bị suy giảm.
Một cú sốc lớn khác có thể xảy ra vào tháng 11/2024 với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến triển vọng năm 2025, trừ khi có sự bất ổn lớn trong nước trước cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, một lần nữa, bất ổn chính trị ở Mỹ sẽ góp phần gây ra tình trạng trì trệ (stagnation) hơn là đình trệ (stagflation).
Đối với nền kinh tế toàn cầu, cả kịch bản “không hạ cánh” và kịch bản “hạ cánh cứng” hiện đều có xác suất thấp, ngay cả khi xác suất “không hạ cánh” ở Mỹ cao hơn so với các nền kinh tế phát triển khác.
Mỹ và một số nền kinh tế phát triển khác có vẻ như có thể sẽ “hạ cánh mềm”. Bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, tốc độ tăng trưởng vào năm 2023 vẫn cao hơn tiềm năng và lạm phát vẫn giảm khi các cú sốc tổng cung tiêu cực thời đại dịch giảm bớt.
Ngược lại, khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh có mức tăng trưởng dưới mức tiềm năng, gần bằng 0 hoặc âm trong vài quý vừa qua do lạm phát giảm và có thể không tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2024, nếu các nhân tố gây tăng trưởng yếu vẫn tồn tại.
Các yếu tố mang tính quyết định
Các nền kinh tế phát triển sẽ “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm” phụ thuộc vào một số yếu tố. Đầu tiên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, hoạt động có độ trễ, có thể có tác động lớn hơn vào năm 2024 so với năm 2023. Hơn nữa, việc tái cấp vốn nợ có thể khiến nhiều công ty và hộ gia đình phải chịu chi phí trả nợ cao hơn đáng kể trong năm nay và năm tới.
Và nếu một cú sốc địa - chính trị nào đó gây ra một đợt lạm phát khác, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải hoãn việc cắt giảm lãi suất. Sẽ không cần phải leo thang nhiều xung đột ở Trung Đông để đẩy giá năng lượng lên cao và buộc các ngân hàng trung ương phải xem xét lại triển vọng hiện tại của họ. Nhiều mối đe dọa lớn về lạm phát đình trệ trong trung hạn có thể đẩy tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn.
Yếu tố thứ hai là Trung Quốc - quốc gia đang trải qua một cuộc “hạ cánh cứng” đầy gian nan. Nếu không có cải cách cơ cấu kinh tế (có vẻ như sẽ không xảy ra), tiềm năng tăng trưởng của nước này sẽ dưới 4% trong 3 năm tới, giảm xuống gần 3% vào năm 2030.
Chính quyền Trung Quốc có thể coi việc tăng trưởng thực tế dưới 4% trong năm nay là không thể chấp nhận được; nhưng tốc độ tăng trưởng 5% đơn giản là không thể đạt được nếu không có kích thích vĩ mô, điều này sẽ làm tăng tỷ lệ đòn bẩy vốn đã cao đến mức nguy hiểm.
Trung Quốc rất có thể sẽ thực hiện một biện pháp kích thích vừa phải, đủ để đạt mức tăng trưởng trên 4% một chút vào năm 2024. Trong khi đó, các lực cản mang tính cơ cấu đối với tăng trưởng - xã hội già hóa, nợ và bất động sản dư thừa, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế - vẫn còn tồn tại.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng; nhưng đây sẽ là một cuộc “hạ cánh cứng” đầy khó khăn với mức tăng trưởng đáng thất vọng.
Nguồn: The New York Times
Kịch bản tốt nhất cho cổ phiếu và trái phiếu là “hạ cánh mềm”, mặc dù hiện tại điều này đã được phản ánh vào giá. Kịch bản “không hạ cánh” tốt cho nền kinh tế thực nhưng lại xấu cho thị trường chứng khoán và trái phiếu vì nó sẽ cản trở các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.
Một cuộc “hạ cánh cứng” sẽ không tốt cho chứng khoán - ít nhất là cho đến khi cuộc suy thoái nhỏ chạm đáy - và tốt cho giá trái phiếu, vì nó gợi ý việc cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn. Cuối cùng, một kịch bản đình trệ (stagflationary scenario) nghiêm trọng hơn rõ ràng là điều tồi tệ nhất đối với cả lợi suất cổ phiếu và trái phiếu.
Hiện tại, các tình huống xấu nhất dường như ít xảy ra nhất. Nhưng bất kỳ yếu tố nào, đặc biệt là địa - chính trị, đều có thể phá hỏng dự báo tốt đẹp của năm nay.
Giới thiệu về tác giả Nouriel Roubini
Nouriel Roubini tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Bocconi và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Havard. Ông là một trong số rất ít những người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ông được mệnh danh là "Dr Doom" vì thường xuyên đưa ra những dự báo bi quan về thị trường tài chính cũng như kinh tế thế giới.
Nouriel Roubini hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học New York. Ông cũng là CEO của Roubini Macro Associates, LLC - công ty tư vấn kinh tế ở New York và đồng sáng lập Rosa & Roubini Associates có trụ sở chính tại London.
Ông còn là chuyên gia cấp cao tại Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng trong thời gian ông Bill Clinton giữ chức Tổng thống Mỹ. Roubini cũng từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nguồn: Investopedia
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nouriel Roubini