Trong phiều chiều 5/3, diễn biến thị trường chứng khoán giằng co, mã đỏ chiếm ưu thế, VN-Index dao động quanh tham chiếu. Đặc biệt, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan đang ghi nhận nhịp tăng ngắn hạn tích cực với mức tăng trần lên 75.700 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh gần 13 triệu đơn vị.
Trong hơn 1 tuần qua, mã này đã cải thiện hơn 12%, vượt lên trên vùng đỉnh 5 tháng.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 30/6/2023, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ trực tiếp có 18 triệu cổ phiếu MSN, đồng thời ông cũng gián tiếp nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu MSN thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, tương đương gần 45% cổ phần Masan.
Ngoài ra, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến cũng đang nắm giữ gần 50,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 3,58%. Như vậy, tài sản của cả gia đình Chủ tịch Masan gia tăng hơn 3.300 tỷ đồng trong 1 phiên.
|
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang |
Mức tăng của cổ phiếu của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đến từ các thông tin tích cực. Theo đó Báo cáo chiến lược thị trường vốn mới đây của J.P Morgan đã nêu ra các lĩnh vực đầu tư ưa thích của tổ chức này với sự xuất hiện của cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan trong nhóm các đại diện hàng đầu, bên cạnh các cổ phiếu TCB, ACB, FPT.
Báo cáo tài chính năm 2023 vừa công bố cho thấy, Masan Group tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực của các mảng kinh doanh tiêu dùng, gồm Masan Consumer và WinCommerce. Tuy nhiên, kết quả này bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự tăng mạnh của chi phí tài chính trong môi trường lãi suất và tỷ giá biến động.
Cụ thể, doanh thu thuần của Masan trong năm 2023 đạt 78.250 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.870 tỷ đồng, mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy vậy, trong báo cáo phân tích mới công bố, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng áp lực cơ cấu nguồn vốn của Masan đã qua thời điểm tồi tệ nhất.
Theo đó, BVSC tỏ ra lạc quan đối với khả năng thanh toán của Masan trong năm 2024 nhờ tổng tiền mặt tích lũy gần 17.000 tỷ đồng, hệ số EBITDA trên phần nợ tới hạn cải thiện (lên 1,6 lần) và việc tập đoàn sắp nhận được 250 triệu USD từ Bain Capital.
Kỳ vọng lợi nhuận 2024 phục hồi mạnh mẽ, BVSC dự báo doanh thu thuần của Masan sẽ tăng 15,5%, vượt mức 90.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt hơn 1.650 tỷ, tăng gần 4 lần so với nền thấp năm 2023.
Bộ phận phân tích của BVSC đánh giá cổ phiếu MSN có thể tăng trưởng 32% trong vòng 12 tháng tới với giá kỳ vọng 93.200 đồng.
Động lực tăng trưởng chính của Masan sẽ đến từ sự vững vàng của trụ cột The CrownX với tăng trưởng ổn định từ Masan Consumer, trong khi WinCommerce tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, hướng đến năm đầu tiên có lợi nhuận hoạt động dương.
Năm ngoái Masan Consumer (MCH) ghi nhận doanh thu 29.066 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động kinh doanh 6.521 tỷ đồng. Nếu loại trừ tác động của việc chuyển MSN Jinju cho Masan Meat Life, doanh thu của công ty tăng trưởng đến 9%, là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh chi tiêu thắt chặt khi niềm tin tiêu dùng ở mức thấp do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi.
Masan Consumer tiếp tục là một trong những doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) dẫn đầu trong cải tiến và đổi mới với doanh thu từ các sản phẩm mới tăng 39%, đóng góp 4,4% tổng doanh thu năm 2023.
Chiến lược “Go Global” của công ty cũng ghi nhận mốc thành tích đáng khích lệ với doanh thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ trong năm 2023. Các sản phẩm thương hiệu Chin-su hiện đang được xuất khẩu đi các thị trường phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu và Nhật Bản. Đặc biệt, tương ớt Chin-su đang là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng Amazon.
Trong năm nay, các mảng kinh doanh khác bao gồm Masan MEATLife và Masan High-Tech Materials được dự báo sẽ thu hẹp khoản lỗ, giảm bớt gánh nặng lợi nhuận chung cho cả tập đoàn.
Đặc biệt, áp lực từ chi phí lãi vay của Masan giảm nhờ mặt bằng lãi suất thấp, rủi ro tỷ giá của các khoản vay USD cũng đã được phòng hộ 100% thông qua các hợp đồng tương lai và công cụ phái sinh.