Một lãnh đạo HHV từ nhiệm vì lý do cá nhân trước thềm Đại hội

Ông Nguyễn Thanh Trang - Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa có đơn từ nhiệm.
 
 
Trong đơn từ nhiệm, ông Trang cho biết vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản trị Công ty HHV.
Đơn từ nhiệm của ông Trang được đưa ra trong thời điểm công ty đang chuẩn bị tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021. Thời gian họp dự kiến khoảng từ ngày 1/11/2021 đến ngày 6/11/2021.
Một trong những nội dung họp là thông qua chiến lược phát triển của công ty giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, một số nội dung khác là thông qua tăng vốn điều lệ của công ty và phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; thông qua điều lệ công ty (sửa đổi, bổ sung); quy chế nội bộ về quản trị công ty…
Mot lanh dao HHV tu nhiem vi ly do ca nhan truoc them Dai hoi
 
Trước đó trong ĐHCĐ thường niên năm 2021, cổ đông HHV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 3.533 tỷ đồng, thông qua hai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ trị giá 270,6 tỷ đồng đồng thời chào bán hơn 58,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Việc triệu tập đại hội bất thường diễn ra trong bối cảnh các cổ đông lớn liên tục thoái vốn tại HHV.
Gần đây nhất, liên quan đến việc đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trong văn bản gửi Tỉnh ủy Lạng Sơn, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn, HHV cho biết nếu để Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục làm đầu mối giải quyết các tồn tại tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, doanh nghiệp này sẽ dừng tham gia đầu tư dự án.
Theo HHV, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (dự án thành phần 1) đã hoàn thành, UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc quan trọng, cơ bản làm thay đổi phương án tài chính dự án và ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến sự tồn tại hay phá sản của các nhà đầu tư (khả năng mất vốn và khả năng trả nợ).
Tại dự án thành phần 2, HHV liên danh với các nhà đầu tư, gồm: Công ty Cổ phần Licogi 16 và Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh, góp vốn vào doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị (doanh nghiệp dự án) để triển khai thực hiện.
Theo HHV, quá trình triển khai thực hiện dự án thành phần 2 gặp rất nhiều khó khăn. Để tăng tính khả thi cho dự án, doanh nghiệp dự án và HHV đã làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trung ương và địa phương để từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Kết quả đạt được là đã ghi vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án là 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 10/3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn lại có báo cáo tham mưu cho tỉnh trong đó đề nghị phương án tách phần nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí lên đến gần 40 năm.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN