Giá HRC đã tăng 10% từ đầu năm 2021 do sự phục hồi ở nhiều khu vực, trong khi nguồn cung quặng sắt tiếp tục đình trệ ở Brazil, và chi phí vận chuyển đang trở nên đắt đỏ.
VDSC nhận thấy cung-cầu quặng sắt tương đối mong manh khi phụ thuộc chủ yếu vào hai quốc gia là Australia và Brazil. Do đó, khi nguồn cung sụt giảm vì các biến cố như thảm họa đập Vale hay dịch bệnh bùng phát ở Brazil, giá quặng sắt có thể tăng nhanh.
Do nhu cầu thép phục hồi và nguồn cung hạn chế, giá quặng sắt duy trì xu hướng tăng giá mạnh từ 2H2020 và đạt 170 USD/tấn. Cuối cùng, giá cước vận chuyển ở một số tuyến đường biển quan trọng tăng mạnh khiến giá HRC nhập khẩu trong nước đắt hơn đáng kể.
Do xu hướng tăng mạnh của giá HRC, VDSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ đạt khoảng 28% trong 1H2021 và có thể giảm xuống khoảng 23% trong 2H. HPG thường dự trữ đủ nguyên liệu để sản xuất trong 2-3 tháng nên việc tăng giá nguyên liệu sẽ có tác động chậm đến giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, giá HRC đã tăng nhanh hơn so với chi phí sản xuất gang lỏng bằng lò BOF trong cùng giai đoạn. VDSC cho rằng biên lợi nhuận gộp trong mảng thép HRC sẽ dần ổn định ở mức 22% - 23% do cung cầu của HRC trở nên cân bằng hơn vào cuối năm.
Về tiêu thụ, VDSC cho rằng HPG sẽ không gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các công ty sản xuất tôn và ống cao và công suất tiêu thụ nội bộ lớn. Nhu cầu về HRC trong nước từ các nhà sản xuất hạ nguồn tăng mạnh vào năm 2021 do lượng đơn đặt hàng lớn từ các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, những thị trường có yêu cầu về xuất xứ nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất tôn mạ của HPG có thể tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn HRC, tương đương 47% sản lượng HRC sản xuất trong năm nay.
Do đó, VDSC kỳ vọng HPG có thể bán khoảng 3 triệu tấn HRC vào năm 2021 (bao gồm cả tiêu thụ nội bộ và bán ra bên ngoài), đóng góp khoảng 31% vào tổng doanh thu.
Khả năng cạnh tranh của HPG trong mảng thép xây dựng vẫn tốt, cho phép công ty giành thêm thị phần ở miền Nam
Giá thép phế tăng mạnh đã khiến giá thành sản xuất thép sử dụng lò điện (EAF) tăng nhanh hơn so với sử dụng lò cao (BOF). Chi phí quặng sắt chỉ chiếm 50% chi phí sản xuất gang dùng lò BOF, trong khi thép phế chiếm khoảng 80% đối với lò EAF.
Do đó, mặc dù giá quặng sắt và thép phế liệu tăng với tốc độ tương tự, VDSC ước tính rằng chi phí sản xuất gang lỏng sử dụng lò EAF cao hơn lò BOF từ 20%- 30% trong giai đoạn 4Q2020-1Q2021. Vì vậy, HPG có khả năng tăng giá bán để hỗ trợ biên lợi nhuận gộp và tiếp tục giành thị phần.
VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ phục hồi từ tháng 3 trở đi, sau hai tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và Tết. Các dự án cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò hỗ trợ chính để ổn định nhu cầu thép xây dựng.
Ngoài ra, giá thép của công ty khá cạnh tranh tại thị trường miền Nam, thúc đẩy thị phần của công ty gia tăng. Giá thép của HPG thường thấp hơn Vinakyoei 4%-10% và thấp hơn Pomina 1%-7%.
Trong năm 2021, kỳ vọng HPG sẽ bán 3,8 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 10% YoY.
|
HPG được hưởng lợi nhờ HRC tăng trưởng mạnh mẽ. |
Lợi nhuận tăng 70% nhờ HRC tăng trưởng mạnh
VDSC kỳ vọng doanh thu và LNST của HPG tăng lần lượt khoảng 60% và 70% chủ yếu nhờ doanh thu HRC tăng trưởng mạnh. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thép và nông nghiệp dự kiến sẽ đóng góp lần lượt khoảng 90% và 8%.
VDSC cho rằng mảng HRC có thể vượt qua mảng thép xây dựng về mức đóng góp lợi nhuận gộp, đồng thời, mảng này cũng thúc đẩy doanh số ống thép và tôn mạ tăng lên đáng kể.
Cụ thể, kỳ vọng HPG sẽ tiêu thụ được khoảng 3,0 triệu tấn HRC (+330% YoY) và 3,8 triệu tấn thép xây dựng (+10% YoY). Sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường HRC khiến biên lợi nhuận gộp của HRC cao hơn so với thép xây dựng (24% so với 18%).
HRC và thép xây dựng có thể đóng góp lần lượt 10.700 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gộp. Ngoài ra, nhờ sản lượng HRC nội, HPG có lợi thế cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường phát triển.
VDSC dự báo sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ của HPG sẽ tăng lần lượt 122% và 24% YoY, đạt 400.000 tấn và 1,0 triệu tấn vào năm 2021.
Trong mảng bất động sản, doanh thu được dự báo sẽ tăng 60% YoY lên 1.157 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ dự án Khu công nghiệp Phố Nối A (92,5 ha) và dự án Khu nhà ở đô thị Phố Nối. Tuy nhiên, VDSC ước tính mảng bất động sản sẽ chỉ chiếm 1% doanh thu của công ty trong năm 2021.
Sau một năm hưởng lợi từ giá heo hơi tăng cao, mảng nông nghiệp sẽ đóng vai trò nhỏ hơn trong kết quả kinh doanh của HPG. Dự báo giá thịt lợn và thịt bò sẽ giảm 10% YoY vào năm 2021, khiến biên lợi nhuận gộp trong mảng này giảm từ 19,5% trong năm 2020 xuống 15,3% trong năm 2021.
Kỳ vọng HPG sẽ bán được 440.000 heo (+20% YoY), 167.000 bò (+12% YoY), 206 triệu quả trứng (+30% YoY) và 350.000 tấn thức ăn chăn nuôi (+20% YoY) trong năm 2021.
Do đó, doanh thu của mảng nông nghiệp có thể tăng trưởng 10% YoY. Kỳ vọng LNST của mảng này sẽ đạt khoảng 1.364 tỷ đồng, tương đương 6% tổng LNST năm 2021 và thấp hơn mức 12% trong năm 2020
Sử dụng 3 phương pháp để định giá cổ phiếu HPG, bao gồm chiết khấu dòng tiền (FCFF), PE và PB. Trong phương pháp FCFF, sử dụng mức WACC là 9,7% và exit EV/EBITDA là 6,7 lần. VDSC dùng mức P/E mục tiêu 9,5 lần, tương đương với mức trung bình của các công ty trong ngành sản xuất thép.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng HPG xứng đáng với mức P/B cao hơn khi chuỗi giá trị của công ty ngày càng được hoàn thiện. Do đó, sử dụng tỷ lệ P/B là 2,0 lần, cao hơn mức trung bình của ngành là 1,0 lần và hệ số PB trung bình 5 năm là 1,8.
VDSC đưa ra mức giá mục tiêu 55.200 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời 20% tính trên giá đóng cửa vào ngày 31/3.
|