Mới đây, trong một đoạn quảng cáo phát đi trên truyền hình của hệ thống bán lẻ VinMart xuất hiện dòng chữ: "VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart", khiến nhiều người tò mò. Dù chưa được Masan chính thức công bố, theo nguồn tin của chúng tôi, thông tin trên là chính xác.
Theo đó, Tập đoàn Masan - chủ sở hữu hệ thống VinCommerce (VinMart, VinMart+) sẽ chính thức đổi tên thương hiệu VinMart thành WinMart, VinMart+ thành WinMart+. Tuy nhiên, chưa rõ màu sắc, logo nhận diện thương hiệu và màu sắc chủ đạo của chuỗi bán lẻ này có bị thay đổi theo hay không.
Đối với giới đầu tư, thông tin này không quá bất ngờ, bởi trước đó, Masan cũng đã để ngỏ ý định "thay tên đổi vận" cho VinMart.
Trong kì Đại hội cổ đông của Masan diễn ra hồi đầu năm nay, các cổ đông cũng đã đặt vấn đề với ban lãnh đạo Tập đoàn rằng nên cân nhắc đến việc đổi tên thương hiệu VinMart sau khi đã mua lại chuỗi hay điều chỉnh nhận diện, màu sắc chủ đạo để mang đến sự tươi mới với người tiêu dùng.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Cosumer Holdings kiêm Tổng Giám đốc VinCommerce, khi ấy cho biết hệ thống bán lẻ này không nằm ngoài tinh thần đổi mới của tập đoàn. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể về tên nhãn hiệu, định vị, danh mục hàng hóa, chính sách giá cả của VinMart sẽ được chia sẻ vào dịp thích hợp.
Đến nay, sau hơn nửa năm rời tay Vingroup, hệ thống VinCommerce đã được Masan tái cấu trúc toàn diện, từ thương hiệu tới bộ máy tổ chức.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Masan đã đóng cửa 151 siêu thị và cửa hàng VinMart không hiệu quả, đồng thời mở mới 45 điểm bán. 80% số cửa hàng bị đóng cửa nằm tại TP HCM và các thành phố cấp 2.
Theo kế hoạch trước đó, năm 2020 Masan dự kiến mở mới 100 - 300 cửa hàng VinMart+ và 10 - 30 siêu thị Vinmart. Song song với đó, Masan cũng sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Không chỉ đóng cửa những cơ sở kinh doanh kém hiệu quả, trong thời gian tới Masan dự kiến cũng sẽ tiến hành cải tổ hoạt động của VinMart bằng việc áp dụng số hoá trong quản lí vận hành.
Trong đó hàng tồn kho sẽ được quản lí theo thời gian thực, áp dụng công nghệ trong trải nghiệm mua hàng như Scan&go, kết hợp mô hình O2O Retail (online to offline).
Masan cho biết sẽ đầu tư 15 triệu USD để nâng cao tính hiệu quả hoạt động của nền tảng này.
Cơ cấu lại danh mục sản phẩm, áp dụng số hoá trong quản lí,... Masan đang tiến hành cuộc cách mạng tại VinMart. (Ảnh: Thiên Trường).
Trong năm nay, Masan sẽ tập trung phát triển mảng siêu thị mini VinMart+, vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt và được lãnh đạo Tập đoàn kì vọng sẽ là tương lai của thương mại hiện đại tại Việt Nam.
Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của Masan về các điểm POL ((Point of Life).
Không những thế, sau khi về tay Masan, ông chủ Nguyễn Đăng Quang cũng đã đặt mục tiêu biến hệ thống VinMart trở thành kênh phân phối chủ lực mặt hàng tươi sống và thương hiệu thịt của Masan.
Doanh nghiệp kì vọng tỉ lệ đóng góp doanh thu từ các mặt hàng này cho VinMart+ sẽ tăng lên 35% vào cuối năm nay.
Những thay đổi này bước đầu đang giúp hệ thống bán lẻ VinCommerce hoạt động có hiệu quả hơn.
Sau nửa năm rời tay Vingroup, VinCommerce đã mang về khoản thu gần 16.000 tỉ đồng cho Masan.
Trong đó, quí I/2020 doanh thu của VinCommerce đạt 8.709 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Bước sang quí II, VinCommerce tiếp tục ghi nhận khoản doanh thu 7.104 tỉ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước trong bối cảnh cách li xã hội do dịch bệnh COVID-19.
Trong 6 tháng đầu năm, VinCommerce vẫn đang ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) âm 1.058 tỉ đồng, biên EBITDA âm 6,7%, cải thiện 2% so với nửa đầu năm 2019.