Lợi nhuận hàng không lao dốc, dòng tiền kinh doanh cạn kiệt trong năm COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên hai anh cả trong ngành hàng không là Vietnam Airlines và VietJet Air trong suốt năm qua, khiến các hãng này lâm vào tình trạng lỗ và dòng tiền bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại Vietnam Airlines (HVN), hãng hàng không quốc gia này ghi nhận doanh thu thuần hơn 40.613 tỷ đồng trong năm 2020, giảm 59% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng tới 10.845 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả này vẫn khả quan hơn so với ước tính lỗ hợp nhất 14.445 tỷ đồng trước đó từ phía Vietnam Airlines.
Riêng trong quý 4/2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.202 tỷ đồng và lãi gộp hơn 515 tỷ đồng, giảm tương ứng 64% và 63% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, hãng gánh thêm khoản chi phí tài chính tăng 62% lên 79 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm từ hơn 228 tỷ đồng xuống còn 144 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm từ 216 tỷ đồng xuống còn 128 tỷ đồng.
Kết quả là Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 373 tỷ đồng trong quý cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines ghi nhận âm 6.379 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 8.819 tỷ đồng. Trong năm, Vietnam Airlines chi ra hơn 3.218 tỷ đồng để trả nợ gốc thuê tài chính và 23.917 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, trong khi tiền thu từ đi vay là 29.231 tỷ đồng.
Hãng hàng không giá rẻ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thì có lãi trong năm 2020 nhưng cũng lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Cụ thể, Vietjet Air (VJC) báo lãi ròng gần 70 tỷ đồng, giảm 98% so với con số lãi hơn 3.800 tỷ đồng thu được trước khi COVID-19 xảy đến.
Kết quả này đến từ khoản 744 tỷ đồng lợi nhuận khác mà không có thuyết minh cụ thể, cao gấp hơn 100 lần cùng kỳ 2019 kéo cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietjet Air là 995 tỷ đồng, tăng 85% so với quý 4/2019.
Tính đến cuối năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Vietjet ghi âm 4.898 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm hơn 2.000 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền giảm 43% về 3.055 tỷ đồng, đầu từ tài chính ngắn hạn cũng giảm mạnh 48% về cong 604 tỷ đồng.
Loi nhuan hang khong lao doc, dong tien kinh doanh can kiet trong nam COVID-19
 Hàng không chật vật trong đại dịch COVID-19.
Phụ thuộc vào hành khách trên các chuyến bay, các dịch vụ liên quan đến hàng không cũng không thể kinh doanh khởi sắc trong năm qua.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận doanh thu thuần trên 1.701 tỷ đồng, giảm 65% khiến lợi nhuận gộp giảm sâu 91% về 215 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp chưa đến 13%.
ACV cho biết doanh thu thuần và các chi phí quản lý, bán hàng giảm do chịu tác động của đại dịch COVID-19. Chi phí tài chính tăng gấp 11 lần do lỗ chênh lệch tỷ giá và doanh thu tài chính giảm mạnh do không có lãi chênh lệch tỷ giá như cùng kỳ.
Do vậy, ACV có lãi ròng 349 tỷ đồng, giảm 85% so cùng kỳ nhưng kết quả này đã cải thiện so với kết quả kinh doanh của các quý trước.
Lũy kế cả năm 2020, ACV đạt doanh thu thuần gần 7.784 tỷ đồng và lãi ròng trên 1.718 tỷ đồng, giảm tương ứng 58% và 79%.
Khi hoạt động cốt lõi bị suy giảm trầm trọng, ACV lại được nâng đỡ bởi khoản doanh thu tài chính dồi dào nhờ tiền gửi ngân hàng. Trong năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu tài chính lên đến 2.220 tỷ đồng và đóng góp phần lớn trong lãi ròng của ACV.
Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của ACV đạt gần 57.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.180 tỷ so với đầu năm. Doanh nghiệp vẫn duy trì lượng tiền và tiền gửi ngắn hạn lớn với 33.684 tỷ đồng, tăng 2.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và chiếm 59% tổng tài sản.
Với Taseco (AST), doanh thu cả năm 2020 đạt 359 tỷ đồng, cũng giảm mạnh 68,5% so cùng kỳ. Đồng thời, AST ghi nhận khoản lỗ 49 tỷ đồng trong khi năm trước có lợi nhuận ròng 191 tỷ đồng.
Theo Taseco, kết quả kém tích cực năm 2020 đến từ mức giảm trong tất cả các mảng kinh doanh chính trong cả năm, bao gồm bán lẻ tại sân bay, khách sạn và quảng cáo tại sân bay của công ty, do tác động mạnh của dịch COVID-19 đến du lịch nước ngoài.
Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) báo doanh thu thuần năm 2020 gần 919 tỷ đồng và lãi ròng trên 149 tỷ đồng, lần lượt giảm 68% và 60%. Theo đó, Công ty không đạt kế hoạch doanh thu (gần 1.203 tỷ đồng) nhưng vượt xa kế hoạch về lãi trước thuế (gần 23 tỷ đồng) trong bối cảnh cả ngành hàng không chìm trong thua lỗ do dịch bệnh.
Tại ngày cuối năm, tổng tài sản của Sasco giảm 23% về 1.806 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn một nửa còn 74 tỷ đồng, trong khi đầu năm là hơn 164 tỷ đồng.
Sasco đang ghi nhận hơn 66 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án trang trại Suối Nhung (Bình Phước), dự án khách sạn Sasco – Nhà Trang và dự án khu du lịch sinh thai nghỉ dưỡng Suối Hoa.
Sasco đẩy mạnh việc trả nợ khi tổng nợ phải trả giảm từ 760 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm về 294 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm, trong đó nợ vay ngắn và dài hạn giảm hơn 54 tỷ đồng.
Trong một báo cáo về ngành hàng không, Chứng khoán SSI cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới khiến đơn vị khó có thể dự báo thời gian và tốc độ phục hồi thị trường quốc tế.
Theo kịch bản cơ sở, Chính phủ giữ nguyên chính sách thắt chặt biên giới và yêu cầu cách ly nghiêm ngặt đến hết 6 tháng năm 2021. Hiệu quả của vắc xin sẽ là yếu tố quyết định cho việc nới lỏng chính sách bảo hộ và nối lại hoạt động du lịch quốc tế.
SSI ước tính sản lượng khách quốc tế sẽ đạt 12 triệu lượt khách vào năm 2021 (+100% YoY), tương đương với 34% mức trước COVID. Sản lượng ước tính phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, khi hoạt động du lịch dần bình thường trở lại.
các vấn đề và rủi ro đối với ngành này là COVID-19. Đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, vì các đợt bùng phát toàn cầu vẫn đang tăng và có nguy cơ xảy ra cả các ca lây nhiễm từ nước ngoài/ biến thể virus.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN