Thị trường chứng khoán quý 3/2022 chứng kiến những biến động mạnh khiến các công ty chứng khoán chịu áp lực về kết quả kinh doanh khi giá trị danh mục tự doanh sụt giảm, thanh khoản thị trường xuống thấp kéo tụt doanh thu môi giới, nhu cầu margin của thị trường thấp.
Thị trường donwtrend cũng kéo theo nhiều doanh nghiệp dù không phải là công ty chứng khoán cũng thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Hoạt động chính trong mảng bất động sản, song năm 2021 nguồn thu chính của Nhà Đà Nẵng (NDN) gần như đến từ việc đầu tư chứng khoán. Nếu như NDN thắng lợi lớn trong năm 2021 thì kết quả năm nay lại khá tiêu cực.
Năm 2022, NDN liên tục phải trích lập cho danh mục của mình, trong quý 3/2022, Công ty lỗ sau thuế gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 81 tỷ. Lũy kế trong 9 tháng, NDN lỗ 124 tỷ đồng. Nguyên nhân, không chỉ hao hụt doanh thu kinh doanh bất động sản, mà còn lỗ đầu tư chứng khoán 60,3 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9, Công ty đang đầu tư 399 tỷ đồng vào chứng khoán, đã trích lập dự phòng 123 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 30,9% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.
Trong đó, danh mục trích lập lớn chủ yếu đầu tư 128 tỷ đồng cổ phiếu SHB, trích lập 52,6 tỷ đồng; đầu tư 185,6 tỷ đồng cổ phiếu VHM, trích lập dự phòng 45,1 tỷ đồng; đầu tư 43,7 tỷ đồng cổ phiếu TCB, trích lập dự phòng 16,1 tỷ đồng; đầu tư 21,36 tỷ đồng cổ phiếu ABB, trích lập 6,2 tỷ đồng; và các khoản đầu tư khác.
|
Một số doanh nghiệp thua lỗ chứng khoán. |
Hay Đầu tư CMC (CMC) báo doanh thu quý 3 tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng lỗ hơn 240 triệu đồng. Nguyên nhân chính do phải dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng đột biến 98% lên gần 9 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, khoản lỗ đang vào mức 1,5 tỷ đồng.
Về danh mục chứng khoán, CMC ghi nhận đa số các khoản đầu tư cổ phiếu lỗ, ước tính trung bình mất khoảng 30%. Riêng cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CMC trích lập hơn 5,2 tỷ đồng, tương đương cho mức giảm 36% đối với cổ phiếu này.
Cũng “ngậm đắng” với mã quốc dân HPG, Hóa An (DHA) báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với nền thấp cùng kỳ năm ngoái do phải trích lập dự phòng khoản mục đầu tư vào cổ phiếu HPG.
9 tháng đầu năm 2022, DHA đã trích lập hơn 24,1 tỷ đồng trong số hơn 88 tỷ đồng đầu tư chứng khoán. Riêng HPG, Công ty đầu tư lượng lớn với 80,3 tỷ đồng, nắm giữ 2,64 triệu cổ phiếu.
Một nhà đầu tư tay ngang gây nhiều chú ý còn phải kể đến Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC). Tính đến 30/9, danh mục đầu tư chứng khoán của VHC ghi nhận 191 tỷ đồng, đa phần là các cổ phiếu NLG, DXS, KBC. Khoản đầu tư cổ phiếu của Công ty đang phải trích lập dự phòng gần 79 tỷ đồng, hơn 41% giá trị gốc.
Licogi 14 (L14) đã từng là một trong những doanh nghiệp có tiếng khi mang tiền đi đầu tư nhưng cũng lỗ 15,61 tỷ đồng sau 9 tháng năm nay, so với cùng kỳ lãi 39,05 tỷ đồng. Trong kỳ, L14 chi 105,3 tỷ đồng, kết quả đang trích lập dự phòng giảm giá tới 68,7 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ 65,3% tổng danh mục.
Mặc dù lỗ nặng do đầu tư chứng khoán nhưng L14 không thuyết minh danh mục cổ phiếu đang đầu tư. Song theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, L14 đã mua vào 7,6 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và gần 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) với giá gốc bỏ ra là hơn 486 tỷ đồng. Hiện, DIG và CEO đều đã giảm từ 70% - 80% so với thị giá hồi đầu năm 2022.
Với Thép Tiến Lên (TLH), ngoài việc kinh doanh khó khăn do giá thép tăng cao, công ty thép này còn ngậm ngùi thua lỗ với đầu tư chứng khoán.
Cuối quý 3/2022, doanh nghiệp này nắm trong tay danh mục cổ phiếu có giá gốc hơn 138 tỷ đồng, nhưng hiện đang dự phòng giảm giá gần 61 tỷ đồng, tương đương mức giảm 44%.
So với quý 2/2022, mức dự phòng giảm giá thấp hơn gần 5 tỷ đồng, nhưng không phải do cổ phiếu tăng giá mà do Công ty đã cắt lỗ bớt ở các cổ phiếu khác khi giá gốc giảm 20 tỷ đồng về mức 75 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 9, Công ty Thép Tiến Lên đang lỗ 57% với mã cổ phiếu VIX, 47% ở mã cổ phiếu SHB và IJC, trong khi các cổ phiếu khác giảm 39%. Các khoản đầu tư này, nếu giữ, có thể lỗ thêm trong bối cảnh VN-Index đã rớt mốc 1.000 điểm trong quý 4/2022.