Theo công bố thông tin, nhà đầu tư cá nhân Trần Tấn Phát trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) khi mua vào 13,7 triệu cổ phiếu CC1, tương đương 12,49% vốn. Ngày trở thành cổ đông lớn là 3/2. Trước giao dịch, ông Phát không sở hữu cổ phiếu CC1 nào.
Trong phiên 3/2 xuất hiện giao dịch thoả thuận 13,7 triệu cổ phiếu CC1, đúng bằng lượng ông Phát mua vào với tổng giá trị 205,5 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng đây là giao dịch của ông Phát.
Mức giá mua vào trung bình của ông Phát là 15.000 đồng/cp, cao hơn so với giá đóng cửa phiên 3/2 (14.500 đồng) nhưng vẫn thấp hơn mức giá cổ phiếu CC1 hiện tại (16.100 đồng/cp).
Sau khi ông Phát mua vào thì ông Lê Hữu Việt Đức, Tổng Giám đốc cũng đăng ký mua 13,2 triệu cổ phiếu từ ngày 4/2-2/3. Trước giao dịch ông Đức sở hữu 7.900 cổ phiếu.
Ở diễn biến ngược lại, cùng ngày 3/2, Quỹ đầu tư Giá trị Bảo Việt (BVIF) đã bán sạch gần 10,39 cổ phiếu, tỷ lệ 9,47% vốn và không còn là cổ đông lớn.
Một đơn vị liên quan tới BVIF là Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng bán hết gần 1,47 triệu cổ phiếu CC1 trong ngày 3/2.
Sau khi BVIF và Bảo Việt thoái vốn tại CC1 thì loạt cổ đông lớn của CC1 cũng thi nhau thoái sạch vốn như CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đăng ký bán hết 20,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,06%), CTCP cơ điện lạnh Nam Thịnh đăng ký bán toàn bộ 16,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,05%). Các giao dịch này đều dự kiến thực hiện từ 9/2 đến 5/3.
Bên cạnh đó, CTCP Top American Việt Nam cũng đăng ký bán toàn bộ 12,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,03% vốn tại CC1. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/2 đến 5/3.
Trước đó, từ ngày 25/11 đến ngày 7/12/2020, Bộ Xây dựng đã hoàn tất thoái sạch hơn 44,58 triệu cổ phiếu CC1, tỷ lệ 40,66% vốn tại CC1.
Về tình hình cổ phiếu, thị giá cổ phiếu CC1 đã giảm mạnh sau khi đạt đỉnh lịch sử hồi giữa tháng 12/2020. Tính đến phiên đầu năm Tân Sửu (17/2), giá cổ phiếu CC1 ở mức 16.100 đồng/cp, giảm hơn 35% so với đỉnh lịch sử.