Theo số liệu từ CTCP Chứng khoán VNDirect, các doanh nghiệp niêm yết đã có KQKD quý IV/2023 tốt hơn kỳ vọng và chấm dứt chuỗi giảm 4 quý liên tiếp. Số liệu từ VNDirect cho thấy lãi ròng toàn thị trường các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCOM) tăng 30,4% so với quý IV/2022 nhờ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có khởi sắc trở lại; mức nền thấp trong quý IV/2022. Còn so với quý III/2023, lãi ròng toàn thị trường tăng 4,6%.
Xét về nhóm ngành, 2 lĩnh vực dẫn đầu đóng góp tăng trưởng là thép và ngân hàng. Theo đó, nhóm thép tiếp tục có một mùa KQKD tích cực khi nhiều doanh nghiệp sản xuất thép có kết quả khả quan quý IV/2023 trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ. Tổng lãi ròng ngành thép ghi nhận tăng 26,7% so với quý III/2023. Sự cải thiện mạnh mẽ này đến từ việc biên lợi nhuận gộp tăng (tăng 0,7% so với quý trước) nhờ chi phí đầu vào giảm, quản lý hàng tồn kho tốt hơn và sản lượng tiêu thụ cải thiện.
Đối với nhóm ngân hàng, lãi ròng nhóm này tăng 22,5% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong kỳ; thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ phí, hoạt động ngoại hối) tăng mạnh; và chi phí trích lập dự phòng giảm 5%.
Ngoài ra, KQKD nhóm bất động sản cũng cải thiện với lãi ròng toàn ngành trong quý IV/2023 giảm 19,6%, thấp hơn mức giảm 24,2% quý III/2023. Sự sụt giảm lợi nhuận của nhóm bất động sản đến từ doanh thu và lợi nhuận VHM quý IV/2023 giảm lần lượt 72,1% và 90,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại VHM ra khỏi rổ thống kê, lãi ròng toàn ngành bất động sản quý IV/2023 tăng trưởng 131,7%.
VHM cũng là nguyên nhân chính khiến biên lợi nhuận gộp toàn thị trường sụt giảm. Theo đó, biên lợi nhuận gộp VHM quý IV/2023 giảm 10,1% trong khi quý IV/2022 là 48,3%. Điều này dẫn đến biên lãi gộp toàn thị trường quý IV/2023 giảm mạnh 2,9% xuống mức 14,2%.
Các ngành có biên lợi nhuận gộp tăng cao nhất so với quý III/2023 bao gồm: Truyền thông, hóa chất, viễn thông. Còn các ngành du lịch & hàng không, ô tô, vận tải và y dược ghi nhận biên lãi gộp giảm.
Ở góc độ khác, tăng trưởng lãi ròng quý IV/2023 (so với cùng kỳ năm trước) của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa đạt mức 130,3%, tiếp theo đó là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (tăng 66,2%), nhóm vốn hóa lớn (+20,5%). Tuy nhiên, tính trong cả năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận của 3 nhóm này đều ghi nhận mức âm lần lượt là -26,4%; -15,7%; và -3,2%.
Đối với nhóm VN30, tổng lãi ròng trong quý IV/2023 của VN30 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý trước. Trong quý IV/2023, 17 doanh nghiệp trong VN30 ghi nhận tăng trưởng lãi ròng, dẫn đầu là BCM (+3.542% so với cùng kỳ), SSI (+120%), HDB (+93%) và HPG (đạt 2.972 tỷ lãi ròng trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 1.991 tỷ).
Ngược lại, lợi nhuận quý IV/2023 của MSN và MWG giảm lần lượt 89% và 85% do triển vọng chung của ngành bán lẻ chưa thể quay lại mức nền cũ và chiến lược cải cách hoạt động kinh doanh mới đang ở những bước đầu, tuy nhiên khi so sánh với quý III/2023, lợi nhuận ròng của MWG tăng trưởng 133% cho thấy dấu hiệu nhu cầu tiêu dùng dần hồi phục.
Về chi phí lãi vay, số liệu từ VNDirect cho thấy, những lần cắt giảm lãi suất chính sách của NHNN kể từ tháng 3 và lãi suất huy động liên tục được các NHTM điều chỉnh giảm xuống mức thấp hơn giai đoạn trước COVID-19, đã đưa chi phí lãi vay hạ nhiệt khi quay đầu giảm 0,6% so với quý III/2023 xuống 6,2%.
VNDirect tiếp tục kỳ vọng chi phí lãi vay sẽ giảm do chi phí huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm khi phần lớn các khoản tiền gửi lãi suất cao đã tái tục vào cuối năm 2023. Tỷ lệ đòn bẩy tăng trở lại đạt mức 63,8% trong quý IV/2023, cao hơn 1,7% so với quý III/2023 do các công ty bắt đầu tăng vay nợ để mở rộng hoạt động trở lại.